Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói gì về khả năng tiếp tục giảm lãi suất điều hành?

Đầu tư và Tiếp thị
03:30 PM 10/08/2021

Phó Thống đốc NHNN cho biết, thời điểm này, cần cân đối bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời, dưới góc độ vĩ mô là kiểm soát lạm phát trong năm 2021 cũng như những năm tới.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Chính phủ về đề xuất giảm lãi suất điều hành, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Minh Tú cho biết hiện chưa có kế hoạch giảm lãi suất điều hành thời điểm này. 

Cụ thể, Phó Thống đốc cho hay, không như lãi suất cho vay, để có lãi suất điều hành phù hợp thì phải phụ thuộc vào diễn biến khách quan của nền kinh tế, dựa trên yêu cầu về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tài chính. Để điều hành kinh tế vĩ mô, cần phải căn cứ vào biến động của tình hình kinh tế thế giới, các chính sách tiền tệ phải bảo đảm theo hướng linh hoạt, bảo đảm ổn định kiểm soát lạm phát, giữ các cân đối lớn của nền kinh tế trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

"Do đó, đối với việc tăng hay giảm lãi suất điều hành, NHNN phải cân nhắc, tính toán kỹ, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan", Phó Thống đốc cho biết. 

Nhìn lại riêng trong năm 2020, NHNN đã giảm 3 lần lãi suất điều hành. Đến nay, dưới góc độ vĩ mô, NHNN cho rằng, mặt bằng lãi suất điều hành, lãi suất thị trường cơ bản ổn định, phù hợp.

Hơn nữa, qua phân tích diễn biến thị trường thực tế, NHNN nhận thấy vốn khả dụng của các NHTM, hay còn gọi là thanh khoản của các NHTM dồi dào, lãi suất thị trường liên ngân hàng khá thấp. Ở đầu ra, trong bối cảnh hiện nay, cầu tín dụng ra nền kinh tế còn khá thấp, do đó, việc giảm lãi suất điều hành chưa phải là giải pháp thích hợp và phát huy tác dụng trong thời điểm hiện nay.

Vì vậy, NHNN không cho rằng việc giảm tiếp lãi suất điều hành là hợp lý. Thời điểm này, cần cân đối bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời, dưới góc độ vĩ mô là kiểm soát lạm phát trong năm 2021 cũng như những năm tới.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cho biết NHNN vẫn đang theo dõi chặt các diễn biến để có các công cụ hữu hiệu, vận dụng linh hoạt chính sách tiền tệ đúng thời điểm, từ đó phát huy tác dụng, đạt hiệu quả cao nhất.

PV
Ý kiến của bạn
Việt Nam là quốc gia có GDP cao nhất khu vực ASEAN-6 Việt Nam là quốc gia có GDP cao nhất khu vực ASEAN-6

Quý III/2024, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng kinh tế (GDP) cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với mức tăng 7,4%.