Ngân hàng Nhà nước: Số lượng thẻ tín dụng nội địa tăng 42,5%
Theo NHNN, đến tháng 7/2023, số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đạt 811.400 thẻ, tăng 42,5%. Trong giai đoạn 2018 - 2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành đạt mức tăng trưởng bình quân 29,6%/năm.
Chia sẻ tại sự kiện Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam" do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Báo Lao động tổ chức, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng vụ Thanh Toán cho biết, đến hết tháng 7, có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa. Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 7 đạt trên 811.400 thẻ, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong giai đoạn 5 năm 2018-2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành đạt mức tăng trưởng bình quân 29,6%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,72%/năm.
Đánh giá về các lợi ích, tiềm năng phát triển của thẻ tín dụng nội địa trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết bên cạnh các tính năng của thẻ tín dụng thông thường, một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Có thể kể ra như thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp; qua đó, giúp khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý, thông tin minh bạch, quyền lợi khách hàng được đảm bảo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện và hỗ trợ góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.
Cùng với đó, việc phát triển thẻ tín dụng nội địa cũng đã tạo ra sự đa dạng các sản phẩm, danh mục, về dịch vụ mở rộng đối tượng khách hàng và hệ sinh thái thanh toán của các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.
Khi phát hành thẻ nội địa, các tổ chức phát hành thẻ được quyền chủ động trong việc xây dựng mức phí phù hợp với đối tượng khách hàng. Ví dụ như phí phát hành, phí thường niên,… đối với các cơ sở chấp nhận thẻ cũng có mức phí phù hợp với các phân khúc khách hàng, qua đó góp phần tạo các mức phí phù hợp, tạo sự linh hoạt trong việc áp dụng các mức phí với thẻ nội địa.
Đặc biệt, phát triển thẻ tín dụng nội địa là một bước tiến nữa khẳng định thương hiệu thẻ thuần Việt Nam sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước, đồng tiền Việt Nam để kết nối, xử lý thanh toán an toàn, tin cậy, thông suốt cho mọi tình huống cho các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ tại Việt Nam.
"Trong 39 triệu thẻ đang hoạt động, chúng ta có trên 800.000 thẻ nội địa, chiếm 8,7% trong tổng số lượng thẻ, cho thấy chúng ta còn dư địa để quan tâm đẩy mạnh phát triển thị trường thẻ nội địa tại Việt Nam", ông Phạm Anh Tuấn nói.
Tại Hội thảo, các chuyên gia và đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp đều đánh giá cao tiềm năng của loại hình "thẻ tín dụng nội địa". Theo ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng giám đốc Agribank, thẻ tín dụng quốc tế có khả năng tiếp cận thấp, thông thường chủ yếu là khách hàng có thu nhập khá trở lên, có nhu cầu mua sắm, đi lại ở nước ngoài hoặc nhu cầu chi tiêu ở mức trung bình trở lên.
Trong khi đó, Việt Nam với gần 63 triệu người dân ở địa bàn nông thôn là thị trường tiềm năng cho việc phát triển các sản phẩm thẻ thanh toán. Thực tế cho thấy, khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường thẻ ngân hàng có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt sau đại dịch COVID-19.
Còn Phó Tổng giám đốc NAPAS Nguyễn Đăng Hùng cho biết thẻ tín dụng nội địa có ưu thế về những chính sách phù hợp với đa số người dân. Thẻ tín dụng nội địa có độ an toàn, bảo mật nhờ việc lưu trữ thông tin thẻ trên con chíp tiêu chuẩn EMV. Thẻ tín dụng nội địa được thanh toán đa dạng như thanh toán khi tham gia giao thông, siêu thị.
Do đó, trong bối cảnh giao dịch điện tử đã phổ cập, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 86% về số lượng giao dịch và 31% về giá trị thì tiềm năng của loại thẻ này là tương đối lớn.
Thương Huyền (t/h)Mừng xuân Ất Tỵ, núi Bà Đen Tây Ninh sẽ tổ chức Hội xuân núi Bà với quy mô lớn kéo dài suốt tháng Giêng, dự đoán đón hàng triệu lượt khách đến với ngọn núi cao nhất Nam bộ.