Ngân hàng Nhà nước sớm trình Chính phủ cơ chế sandbox trong lĩnh vực fintech

Ngân hàng
08:55 AM 22/12/2020

Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm sandbox trong hoạt động công nghệ tài chính (fintech) có 7 lĩnh vực được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chuẩn bị sandbox gồm thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P) hay cho vay online, hỗ trợ định danh khách hàng điện tử (eKYC), giao diện lập trình ứng dụng mở, ứng dụng blockchain, hỗ trợ hoạt động ngân hàng (chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn…).

Ngân hàng Nhà nước sớm trình Chính phủ cơ chế sandbox trong lĩnh vực fintech - Ảnh 1.

Lĩnh vực fintech tại Việt Nam đang chờ đợi ban hành khung Sandbox. (Ảnh minh họa: VIR).

Theo đó, các fintech muốn tham gia sandbox phải là pháp nhân, được kiểm toán báo cáo tài chính bởi đơn vị uy tín, có báo cáo thuế… chứng minh hoạt động minh bạch.

Thời gian gần đây chuyển đổi số, ngân hàng số luôn là chủ đề "nóng" được các các bộ, ngành đưa ra thảo luận tại các diễn đàn, hội thảo. Trong đó, vấn đề được nhiều người mong đợi nhất là cơ quan quản lý sớm ban hành cơ chế thử nghiệm sandbox trong fintech.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước là một trong những đơn vị tích cực nhất trong xây dựng hành lang pháp lý về chuyển đổi số ngân hàng, fintech. Các quy định về eKYC (định danh điện tử mới ban hành), về tiền điện tử (mobile money), về chuyển tiền xuyên biên giới, đại lý ngân hàng… đã và đang được Ngân hàng Nhà nước gấp rút thúc đẩy. 

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng cũng được nhiều lần đưa xin ý kiến các bộ, ngành. Sự thận trọng của các bên khiến Dự thảo Nghị định đến nay chưa thể hoàn tất.

Sự thận trọng của các bộ, ngành trong việc đưa ra khung pháp lý thử nghiệm cho fintech là rất cần thiết, bởi lĩnh vực ngân hàng vô cùng nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, tài sản người dân. Trong khi đó, fintech - dù tiềm ẩn không ít rủi ro - song cũng chính là động lực lớn nhất để lĩnh vực tài chính, ngân hàng tăng trưởng đột phá nhờ các mô hình, cách thức kinh doanh mới.

Dự báo, tới năm 2025, hơn 30% doanh thu của ngân hàng sẽ đến từ các mô hình mới bắt tay cùng fintech, số vụ giao dịch qua ví điện tử có khả năng vượt số vụ giao dịch qua tài khoản ngân hàng, các khoản vay tiêu dùng cũng sẽ được giải ngân chủ yếu qua mạng…

Làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra ồ ạt với tốc độ ánh sáng, mà sự chuyển đổi số ở hệ thống ngân hàng Việt Nam mới ở giai đoạn đầu. Nếu không sớm xây dựng hành lang pháp lý thử nghiệm phù hợp, để vừa khu biệt rủi ro, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình kinh doanh mới phát triển, thì chúng ta sẽ có nguy cơ tụt hậu so với thế giới và không giải quyết được các vấn đề phát sinh trong thực tế. Câu chuyện giữa Grab và Tổng cục Thuế thời gian qua chính là ví dụ điển hình.

Linh Mai
Ý kiến của bạn