Ngân hàng nhà nước tái khẳng định không chấp nhận các loại tiền ảo tại Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo.
Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Theo cách hiểu phổ biến hiện nay, "Tiền ảo là một loại tiền số (digital money) không có quản lý, được tạo bởi những người tạo lập - phát triển cũng thường là người kiểm soát. Nó được sử dụng và chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định".
Tiền ảo thường gắn liền với khái niệm cộng đồng ảo (virtual communities) - là những nơi trong mạng không gian ảo mà các cá nhân tương tác với nhau. Sự phổ biến của cộng đồng ảo trong những năm gần đây gắn liền với những tiến bộ công nghệ và việc sử dụng Internet ngày càng nhiều trong mọi mặt của đời sống.
Trong một vài trường hợp, những cộng đồng này tự tạo và lưu hành những đồng tiền của riêng mình để trao đổi hàng hóa, dịch vụ mà họ cung ứng, qua đó tạo ra chức năng phương tiện trao đổi và đơn vị đo lường giá trị cho chính cộng đồng ảo đó.
Thế nhưng, gần đây, nhiều hoạt động đa cấp, kinh doanh tiền ảo có dấu hiệu lừa đảo, hoạt động trái phép, chiếm đoạt tài sản đã được báo chí cảnh báo.
Ngày 22/9, nói về các hoạt động của tiền ảo, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tái khẳng định, Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, hiện vẫn còn có doanh nghiệp thực hiện huy động vốn bằng tiền ảo thời gian qua. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.
Do vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao Bộ Tư pháp xây dựng đề án và tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện khung khổ pháp lý trong vấn đề tiền ảo, tiền mã hóa.
Sau đó, Bộ Tư pháp đã hoàn thành đề án, trình Chính phủ. Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính làm đầu mối triển khai nghiên cứu và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2014/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong số đó, bổ sung quy định về phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam (không bao gồm bitcoin và các loại tiền ảo) và bổ sung quy định cấm phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp (như bitcoin và các loại tiền ảo tương tự).
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh, việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng các loại tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Theo báo Đầu Tư, đầu tháng 5/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa có quyết định thành lập Tổ nghiên cứu của Bộ Tài chính về tài sản ảo, tiền ảo.
Tổ nghiên cứu được thành lập trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Tổ nghiên cứu gồm 9 thành viên, do ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước làm tổ trưởng. Các thành viên còn lại thuộc Ủy ban chứng khoán, Vụ chính sách (Tổng cục Thuế), Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Vụ pháp chế, Cục giám sát quản lý về hải quan, Viện Chiến lược và chính sách tài chính.
Hoài Thương (TH)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.