Ngân hàng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại
Nếu như 2 tháng đầu năm, trái phiếu ngân hàng hoàn toàn vắng bóng, thì từ cuối tháng 3/2024 đến nay, các ngân hàng rục rịch phát hành trở lại.
Số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy, tính tới ngày công bố thông tin 24/4, có 10 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 4, với tổng giá trị 9.200 tỉ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến ngày công bố thông tin, có hơn 32.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành, chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Phần lớn lượng phát hành mới trong quý I/2024 đến từ nhóm ngành bất động sản dân cư. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3/2024, ngân hàng cũng bắt đầu phát hành trái phiếu trở lại.
Trong đó, Ngân hàng MB phát hành 7 đợt trái phiếu, huy động 2.800 tỉ đồng. HDBank và Techcombank cũng huy động 3.000 tỉ đồng trái phiếu, MSB huy động 800 tỉ đồng trái phiếu.
Như vậy, tổng lượng trái phiếu mà các ngân hàng phát hành trong 2 tháng qua là 9.600 tỉ đồng, chiếm gần 30% tổng giá trị trái phiếu phát hành tính từ đầu năm, chỉ đứng sau nhóm bất động sản. Đa phần ngân hàng đều phát hành trái phiếu có kỳ hạn dài (7-10 năm) để tăng vốn cấp 2.
Theo lý giải của các chuyên gia, mặc dù ngân hàng dồi dào thanh khoản, song đa phần là tiền gửi kỳ hạn ngắn, các ngân hàng vẫn đứng trước áp lực huy động vốn kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tính tới cuối năm 2023, tổng dư nợ trái phiếu của các tổ chức tín dụng là 357.200 tỷ đồng (chiếm 35,4% tổng dư nợ toàn thị trường). Trong năm 2024, sẽ có 53.200 tỷ đồng trái phiếu do 16 tổ chức tín dụng phát hành đáo hạn. Lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của nhóm ngân hàng chiếm hơn 25% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm nay.
Điểm khác biệt của trái phiếu ngân hàng là lãi suất thấp, nhưng rủi ro thấp do việc phát hành được tuân thủ quy định chặt chẽ theo tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động ngân hàng, do Ngân hàng Nhà nước giám sát.
Các tổ chức tín dụng có trái phiếu đến hạn đều hoạt động có lãi. Đáng nói, có gần 99% trái phiếu ngân hàng được nắm giữ bởi các nhà đầu tư tổ chức (chủ yếu là các định chế tài chính nắm giữ). Trong khi đó, với trái phiếu bất động sản thì tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức nắm giữ chỉ 58,6%, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ lên tới 41,4%.
Huyền My (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.