Ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động trong tháng cuối năm
Lãi suất tiết kiệm gần đây có xu hướng tăng, phản ánh nhu cầu vốn cao của các ngân hàng để hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng. Tính đến 13/12 có khoảng 12 ngân hàng tăng lãi suất trong một tháng qua, áp đảo lượt giảm.
Trong đó, Agribank là nhà băng quốc doanh duy nhất tăng mạnh 0,5-1% với các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng, đặc biệt trên kênh online. Với kỳ hạn từ 12 tháng trở đi, mức tăng thấp hơn, chỉ khoảng 0,1-0,2%. Đợt tăng này đưa Agribank thành nhà băng trả lãi cao nhất trong nhóm Big 4, dao động 2,4% đến 3,7% cho kỳ hạn dưới 12 tháng và 4,8% kỳ hạn 12 tháng trở đi (gửi online).
Bên cạnh đó, có hơn 10 ngân hàng tư nhân, gồm MB, VPBank, TPBank, VIB, MSB, Eximbank, SeABank, Kienlongbank, CBBank và LPBank điều chỉnh biểu lãi suất trong một tháng qua. Đơn cử, MB tăng mạnh 0,3-0,4% ở tất cả kỳ hạn, Eximbank tăng 0,4-0,6%, SeABank tăng 0,3-0,5%, VPBank tăng 0,2% tất cả kỳ hạn, VIB tăng 0,1-0,4%...
Hiện, có hai nhà băng trả lãi suất từ 6% trở lên cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, là GPBank và WooriBank. Bên cạnh đó, lãi suất từ 6% vẫn xuất hiện tại các ngân hàng khác nhưng với kỳ hạn dài hơn, như tại BVBank, Eximbank, BaoVietBank, DongABank, Saigonbank...
Ngược lại, VIB, IVB và ABBank là những ngân hàng đồng thời giảm lãi suất huy động từ đầu tháng.
Hiện tại, các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết lãi suất cao hơn so với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn dài tại các ngân hàng cổ phần dao động từ 5,4% đến 6,2%/năm, trong khi nhóm ngân hàng nhà nước giữ ở mức thấp hơn, từ 4,7%-4,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, mặt bằng lãi suất huy động hiện cao hơn khoảng 0,5% so với mức đáy thiết lập trong quý II, nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn Covid-19. Đà tăng của lãi suất tiết kiệm diễn ra trong bối cảnh tốc độ huy động vốn của các ngân hàng thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Tính đến 7/12, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 12,5%, cao hơn so với mức tăng trên 9% cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù lãi suất tăng, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiểm soát chặt chẽ chính sách nhằm ổn định thị trường tài chính. Các biện pháp hỗ trợ thanh khoản và điều tiết cung tiền được áp dụng nhằm giảm áp lực lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn.
Huyền My (t/h)VNDirect dự báo thị trường sẽ cải thiện về thanh khoản, giá trị giao dịch bình quân cả năm 2025 sẽ đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.