Ngân hàng tăng nợ xấu do giảm tiền gửi

Ngân hàng
02:44 PM 02/11/2020

Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cầu tín dụng giảm, không cao như những năm trước khiến tỷ lệ tương đối nợ xấu/dư nợ phát sinh cũng tăng lên.

Ngân hàng tăng nợ xấu do giảm tiền gửi

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng là trong 9 tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng mọi mặt đời sống kinh tế khiến người gửi tiền ngân hàng là doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, nguồn thu giảm, khả năng trả nợ khó khăn. Trong đó, các ngân hàng là trung gian tài chính cũng bị ảnh hưởng.

Ngân hàng tăng nợ xấu do giảm tiền gửi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Một nguyên nhân nữa là vấn đề kỹ thuật tính toán. Trong bối cảnh tác động của COVID-19, tình hình kinh tế khó khăn, cầu tín dụng không cao như những năm trước, do đó, tỉ lệ tương đối nợ xấu/dư nợ phát sinh cũng tăng lên.

Trước tình hình trên, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu miễn giảm lãi, hoãn giãn nợ, gỡ khó cho doanh nghiệp và người dân.

Nhiều khả năng nợ xấu hệ thống ngân hàng sẽ tăng lên trong thời gian tới nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, thương mại quốc tế, dịch vụ.

Tình hình nợ xấu, xử lý nợ xấu cũng được Đảng, Chính phủ, Quốc hội quan tâm. Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), các đơn vị đã tích cực triển khi thực hiện trong gần 3 năm qua với hiệu quả cao, các vướng mắc khó khăn được khắc phục.

Về tiến độ thực hiện, theo thống kê, luỹ kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến ngày 30/9/2020, đã xử lý được khoảng 313 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng hơn 167,9 nghìn tỷ đồng chiếm 53,8%, xử lý các khoản nợ ngoài bảng cân đối kế toán 74,9 nghìn tỷ đồng, với các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) dưới hình thức trái phiếu đặc biệt xử lý được hơn 69,5 nghìn tỷ đồng.

NHNN đã giao các đơn vị chức năng đánh giá phân tích ứng phó tình hình, bảo đảm an toàn hệ thống, các tổ chức tín dụng.

Trước đó đã có 14/16 ngân hàng đã công bố tài chính quý 3/2020 đều ghi nhận nợ xấu tăng trong 9 tháng đầu năm, trong đó có cả những ngân hàng lớn như Vietcombank, Sacombank, MBBank, ACB, VPBank. Nhiều nhà băng tăng hơn 50% trong 9 tháng. Các ngân hàng lớn như Vietcombank, Sacombank, MBBank, VPBank, ACB đều có nợ xấu tăng.

Hợp nhất quý 3/2020 cho thấy, nợ xấu nội bảng cuối tháng 9 ở mức hơn 49.600 tỷ, tăng gần 12.000 tỷ so với hồi đầu năm, tương đương tăng 31%.

Chỉ có 2/16 ngân hàng có nợ xấu giảm là SeABank và NCB. Cụ thể, nợ xấu nội bảng cuối tháng 9 của NCB là 720 tỷ đồng, giảm 10 tỷ so với đầu năm; giúp tỷ lệ nợ xấu (trên tổng dư nợ cho vay) giảm từ 1,93% xuống còn 1,8%.

Còn tại SeABank, nợ xấu cuối tháng 9 là 2.184 tỷ đồng, giảm 96 tỷ so với đầu năm; đưa tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,31% xuống mức 2,23%.

Ý kiến của bạn