Ngân hàng Thế giới đề xuất gói ứng phó khủng hoảng lên tới 170 tỷ USD
Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến sẽ thảo luận với hội đồng quản trị về gói ứng phó khủng hoảng mới kéo dài 15 tháng, trị giá khoảng 170 tỷ USD để chi trả từ tháng 4/2022 đến tháng 6/2023.
WB đã dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 từ 4,1% (đưa ra hồi tháng 1/2022) còn 3,2% do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đối với nền kinh tế thế giới.
Đáng chú ý, theo Chủ tịch WB David Malpass, kinh tế châu Âu và Trung Á được dự báo giảm 4,1% trong năm nay. Dự báo tăng trưởng của nhiều nước phát triển và đang phát triển cũng bị giảm do giá lương thực và nhiên liệu tăng cao.
Ông Malpass nhận định nợ và lạm phát cao đang đe dọa đến tăng trưởng toàn cầu, đồng thời bày tỏ nỗi lo các nước đang phát triển hiện phải đối mặt sự gia tăng đột ngột của giá năng lượng, phân bón và thực phẩm.
Ông cho biết thêm, ban lãnh đạo WB sẽ đề xuất gói ứng phó khủng hoảng trị giá 170 tỷ USD cho giai đoạn từ tháng 4/2022 đến tháng 6/2023, trong đó gần 50 tỷ USD sẽ được triển khai trong 3 tháng tới. Đây là kế hoạch nối tiếp gói ngân sách 160 tỷ USD mà WB đã đưa ra để ứng phó với đại dịch COVID-19. Đến tháng 6/2021, đã có 157 tỷ USD trong số này được cam kết.
Các thông báo trên được đưa ra trước cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới diễn vào tuần này ở Washington.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,6% trong năm 2022 và trong năm 2023. Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 19/4.
Theo báo cáo, mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và năm 2023 mà IMF đưa ra thấp hơn lần lượt 0,8% và 0,2% so với mức dự báo hồi tháng 1 vừa qua, trong bối cảnh giá cả cùng nợ công tăng cao.
Báo cáo cũng chỉ rõ tăng trưởng toàn cầu trung hạn cũng sẽ giảm xuống mức 3,3%, thấp hơn so với mức trung bình 4,1% trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2013.
IMF quan ngại rằng kinh tế sụt giảm có thể thấy rõ nhất tại các quốc gia nghèo nhất, đe dọa xóa bỏ những thành quả trong phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Hoài Thương (Theo Reuters)Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.