Ngân hàng tiếp tục nỗ lực xử lý nợ xấu

Doanh nghiệp - Doanh nhân
08:19 AM 19/07/2020

Mặc dù các khoản nợ xấu cũ cơ bản đã được giải quyết, nhưng sau những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, nợ xấu của các ngân hàng lại có nguy cơ “phình” to. Cùng với việc tích cực triển khai các chương trình nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng cũng tích cực xử lý nợ xấu.

    Tính đến thời điểm này, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng đến 33,6% so với cùng kỳ năm 2019, khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng tiềm ẩn rủi ro. Như vậy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn đã làm gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, gia tăng nguy cơ nợ xấu. Các chuyên gia cũng dự báo, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cả năm 2020 sẽ quanh mức 4%.

    Tính từ năm 2012 đến nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được hơn 1 triệu tỷ đồng nợ xấu. Phó Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Trần Đăng Phi cho biết, nợ xấu có xu hướng tăng từ tháng 3-2020 đến nay, song nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát.

    “Ngân hàng Nhà nước đang tập trung rà soát các tổ chức tín dụng có nguy cơ nợ xấu tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng đánh giá toàn diện, xây dựng đề án về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng”, ông Trần Đăng Phi nói.

    Mặc dù ngành ngân hàng đặt mục tiêu đưa tổng nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm 2020, song, theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đỗ Hoài Linh (Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân) mục tiêu này khó đạt được. Việt Nam thành công trong việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh để có điều kiện mở cửa nền kinh tế rất sớm so với nhiều nước trên thế giới, song những thách thức cho phát triển kinh tế trong nửa cuối năm vẫn còn lớn.

    Bên cạnh đó, với độ mở nền kinh tế Việt Nam lên đến hơn 200% GDP, sự phục hồi của nền kinh tế cũng còn phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh trên thế giới, trong khi diễn biến của đại dịch Covid-19 vẫn còn rất khó lường. Khi nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn thì khả năng trả nợ của doanh nghiệp sẽ vẫn rất khó.

    PGS.TS Đỗ Hoài Linh cũng nhận định: “Khả năng ngành Ngân hàng hoàn thành mục tiêu đưa tổng nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm 2020 là không khả thi”.

    Để giảm thiểu nợ xấu, lãnh đạo các ngân hàng đều cho biết, vẫn đang tuân thủ các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng vay vốn tại ngân hàng. Việc này sẽ khiến các ngân hàng phải hy sinh mục tiêu lợi nhuận đã đặt ra, nhưng có thể chia sẻ cùng doanh nghiệp, người dân đang gặp khó khăn, giúp sớm phục hồi hoạt động, từ đó, không chỉ khách hàng mà cả ngân hàng và nền kinh tế sẽ hồi phục bền vững. 

    Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội Nguyễn Văn Lê, nếu ngân hàng theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, không duy trì những chính sách hỗ trợ khách hàng khi họ đang gặp khó khăn thì có thể ngân hàng và cả nền kinh tế sẽ phải rất vất vả để giải quyết bài toán xử lý nợ xấu trong giai đoạn hậu dịch.

    Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 của Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

    Theo đó, các tổ chức tín dụng có thể kéo dài thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản cho vay, cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23-1 đến ngày 31-12-2020 thay vì từ ngày 23-1 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.

    Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với các khoản giải ngân từ ngày 23-1 đến ngày 24-4 (trước đó, chỉ quy định với các khoản nợ trước ngày 23-1). Dự thảo cũng cho phép các tổ chức tín dụng không tính số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

    Ngoài việc cơ cấu lại danh mục nợ, các ngân hàng cũng sẽ phải tính đến bài toán triển khai nhiều chương trình cho vay vốn với lãi suất rẻ, chấp nhận giảm lợi nhuận để chung lưng cùng doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì Covid-19, từ đó, không chỉ khách hàng mà cả ngân hàng và nền kinh tế sẽ hồi phục bền vững, tránh rủi ro nợ xấu. 

    Hà Linh
    Ý kiến của bạn
    Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

    Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.