Ngân sách đã chi hơn 56.000 tỷ đồng phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân

Đầu tư và Tiếp thị
10:50 AM 10/12/2021

Theo Bộ Tài chính, ước tính đến hết tháng 11/2021, ngân sách Nhà nước (NSNN) đã chi 56.270 tỷ đồng cho phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Trong đó, Trung ương đã chi 25.350 tỷ đồng, bao gồm: 18.490 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2021 để mua vaccine và chi cho công tác phòng, chống dịch (bổ sung cho Bộ Y tế 6.900 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng 2.710 tỷ đồng, Bộ Công an 1.440 tỷ đồng, hỗ trợ các địa phương 5.570 tỷ đồng...); mua gạo dự trữ quốc gia xuất cấp cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 (bổ sung cho Bộ Tài chính 1.700 tỷ đồng) và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn; chi 6.337 tỷ đồng bổ sung cho Bộ Y tế mua vaccine; đã chi 523 tỷ đồng hỗ trợ cho các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ.

Các địa phương đã chi từ ngân sách địa phương (NSĐP) là 30.920 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Ngân sách đã chi hơn 56.000 tỷ đồng phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân - Ảnh 1.

NSNN đã chi 56.270 tỷ đồng cho phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 là 7.940,1 tỷ đồng để mua vaccine.

Bên cạnh đó, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đã xuất cấp vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch; xuất cấp 153.400 tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ cho nhân dân trong dịp Tết, giáp hạt đầu năm và một số địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển, lũy kế 11 tháng mới đạt 63,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 71,22%). Trong đó, vốn trong nước đạt 69,19%, vốn ngoài nước chỉ đạt 21,51% kế hoạch.

Có 7 bộ, cơ quan Trung ương và 14 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch, 34 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 55% kế hoạch, trong đó vẫn còn 3 cơ quan chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao năm 2021.

Như vậy, tổng chi NSNN tháng 11 ước đạt 121.400 tỷ đồng. Lũy kế chi 11 tháng ước đạt 1.268,86 nghìn tỷ đồng, bằng 75,2% dự toán.

Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt gần 294.600 tỷ đồng, bằng 61,7% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi ước đạt 90.180 tỷ đồng, bằng 81,9% dự toán; chi thường xuyên đạt 874.800 tỷ đồng, bằng 84,4% dự toán.

Ở chiều ngược lại, cập nhật số thu NSNN đến hết ngày 30/11/2021 trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis), thu NSNN 11 tháng đạt 1.392,8 nghìn tỷ đồng, bằng 103,69% dự toán (NSTW đạt 98,53% dự toán; NSĐP đạt 110% dự toán).

Trong đó, thu nội địa đạt 1.144 nghìn tỷ đồng, bằng 100,93% dự toán. Thu từ dầu thô đạt 38.400 tỷ đồng, bằng 165,65% dự toán. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 209.600 tỷ đồng, bằng 117,44% dự toán.

Về cân đối NSNN, do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 11 tháng có thặng dư.

Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ Nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. Lũy kế đến ngày 26/11/2021 đã thực hiện phát hành được 288.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,51 năm, lãi suất bình quân 2,28%/năm.

HM (t/h)
Ý kiến của bạn
Xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 3,36 tỷ USD Xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 3,36 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 3 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023; xuất siêu 3,36 tỷ USD tăng 96,5% so với cùng kỳ năm 2023.