Ngành bán dẫn Việt Nam có thể vượt 7 tỷ USD vào năm 2028
Theo Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI), trong bối cảnh ngành bán dẫn toàn cầu tiếp tục phát triển, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầy hứa hẹn trong ngành bán dẫn, với triển vọng tăng trưởng tươi sáng.
Việt Nam chính thức ban hành Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn và phê duyệt Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Giờ chính là lúc để bắt đầu khai phá thị trường 1.000 tỷ USD.
Chia sẻ tại buổi họp báo về Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn SEMIExpo Viet Nam 2024, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), cho biết Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn và đã thể hiện rõ khát vọng trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Để tận dụng hiệu quả cơ hội này, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng làm Trưởng ban và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư làm Phó trưởng ban thường trực.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã rất tích cực hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới để cùng nhau hợp tác, đầu tư phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp tiềm năng này.
Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các nhà máy bán dẫn và cơ sở nghiên cứu tại Việt Nam. Intel, Amkor, Hana Mircon, Marvell, Synopsys… là những ví dụ điển hình. Và đây chính là một trong 7 lợi thế trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói tới, bao gồm có hệ thống chính trị ổn định, nhân lực chất lượng cao, có thể chế chính sách thuận lợi, quyết tâm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn…
Ngoài các nhà đầu tư nước ngoài thì gần đây, một số tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam cũng đang rất tích cực tham gia vào các lĩnh vực bán dẫn, AI. FPT là một ví dụ. Tập đoàn này đã hợp tác với hàng loạt tên tuổi lớn trên thế giới như NIVIDIA, Landing AI, Mila…, đồng thời dự kiến đầu tư 200 triệu USD để cùng NVIDIA phát triển AI Factory. Không chỉ thành lập một công ty về bán dẫn FPT Semiconductor, FPT cũng tham gia đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này.
Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI) đưa ra dự báo, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 - 2028.
Theo ông Vũ Quốc Huy, sự ra đời của Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 - SemiExpo Viet Nam sắp tới là bước đi chủ động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhằm thực hiện nhiệm vụ tại Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong đó tập trung thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, kết nối đầu tư kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm phát triển hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ, thu hút đầu tư từ những tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn.
Chủ tịch SEMI Đông Nam Á bà Linda Tan cho biết, SEMIExpo Vietnam 2024 là một sự kiện quan trọng đối với Việt Nam vì đây là một quốc gia mới nổi trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ và tập trung phát triển hệ sinh thái bán dẫn vững mạnh, Việt Nam sẵn sàng đóng góp đáng kể vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Minh An (t/h)Giá xăng, dầu tại kỳ điều hành hôm nay (7/11) được điều chỉnh tăng, mức tăng cao nhất thuộc về dầu diesel.