Ngành bao bì sẽ tăng trưởng 15%-20% trong những năm tới
Theo dự báo của Tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc, ngành bao bì Việt sẽ tăng trưởng 15%-20% trong những năm tới.
Hiện tại Việt Nam đang có hơn 900 doanh nghiệp, nhà máy... đang hoạt động trong ngành bao bì, với khoảng 70% doanh nghiệp nằm ở khu vực phía Nam, chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.
Tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc dự báo, quy mô thị trường bao bì giấy Việt Nam ước tính đạt 2,6 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 4,14 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 9,73% trong giai đoạn 2024-2029. Quy mô thị trường bao bì hộp kim loại Việt Nam ước tính đạt 2,11 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 2,45 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) là 3,07% trong giai đoạn 2024-2029.
Với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 15% đến 20% trong những năm tới, bao bì được đánh giá là một trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.
Từ khi chiến dịch “Race to Net Zero” - giảm phát thải ròng bằng 0 xuyên suốt đến năm 2050 được Chính phủ Việt Nam phát động, khái niệm kinh tế tuần hoàn và những yêu cầu về tính bền vững ngày càng có ảnh hưởng đến thiết kế bao bì.
Điển hình, lĩnh vực bao bì khả năng tái chế cao đang dần trở nên quan trọng của quy trình đóng gói trong ngành thực phẩm và đồ uống và đây cũng là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của ngành bao bì giấy Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, tiềm năng ngành bao bì rất lớn. Song, đây cũng là thách thức cho các doanh nghiệp nội địa, khi áp lực cạnh tranh tăng cao. Hơn nữa, yêu cầu về tái chế bền vững, giảm phát thải carbon cũng là điều doanh nghiệp cần lưu ý nếu muốn thực sự "vươn ra biển lớn".
Mức tiêu thụ bao bì nhựa sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, dù xu hướng giảm thiểu, thay thế các sản phẩm, nguyên liệu nhựa và các quy định quản lý chất thải ngày một nghiêm ngặt đang gia tăng. Các doanh nghiệp có tầm nhìn xa về tương lai sẽ chuyển đổi dần sang quy trình sản xuất tuần hoàn. Trọng tâm chính của ngành lúc này là cung cấp nguyên liệu, thiết kế và các hệ thống đóng gói có khả năng tái chế cao, nhằm tích hợp ngành nhựa vào nền kinh tế tuần hoàn.
Thị trường vật liệu đóng gói được chia thành nhiều phân khúc khác nhau như giấy và bìa cứng, nhựa, kim loại, thủy tinh, gỗ, dệt may và các vật liệu phù hợp khác như xốp, da... Phần lớn doanh thu bán hàng của doanh nghiệp thuộc về phân khúc bao bì nhựa, bao bì giấy và carton, với tỷ lệ trên 80%. Bên cạnh đó, nhu cầu về bao bì giấy carton ngày càng tăng, nhờ vào sự thúc đẩy của thương mại điện tử.
Dự báo, hơn một nửa trong số 96 triệu người Việt Nam sẽ mua sắm trực tuyến (online) vào năm 2025 và trong thế giới kỹ thuật số thì bao bì cũng được xem là nền tảng giá trị cho sự tương tác giữa nhãn hàng và người tiêu dùng. Cùng với đó, sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành bán lẻ, mỹ phẩm và xuất khẩu sản phẩm điện tử cũng góp phần gia tăng nhu cầu về bao bì carton.
Các hiệp định thương mại tự do như: EVFTA, CPTPP, RCEP tiếp tục mở ra cơ hội xuất khẩu cho các ngành hàng sử dụng nhiều bao bì như: nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến…, cùng với nhu cầu về bao bì chất lượng cao trên thế giới rất lớn như giấy bao bì cao cấp (tráng phủ), điều đó mang lại cơ hội xuất khẩu lớn cho ngành bao bì của Việt Nam.
Khởi đầu năm 2025, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long sẽ tiếp đón gần 16.000 khách quốc tế đến tham quan Quảng Ninh trong tháng 1 với 11 chuyến tàu biển đến từ các thương hiệu cao cấp. Đây là những tín hiệu lạc quan cho thấy đóng góp quan trọng của du lịch tàu biển trong cơ cấu phát triển ngành du lịch Quảng Ninh.