Ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam tăng trưởng trở lại
Ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đã tăng trưởng trở lại trong nửa đầu năm nay, sau những sự kiện khủng hoảng ở hai năm 2022 - 2023.
Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, tổng tài sản toàn ngành bảo hiểm nhân thọ ước đạt 819.560 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền đầu tư ước đạt 721.284 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 159.889 tỷ đồng, tăng 7,4%; tổng dự phòng nghiệp vụ ước đạt 600.110 tỷ đồng, tăng 13,2%.
Đáng chú ý, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm từ đầu năm cũng ước đạt 30.966 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023.
Thị trường Việt Nam hiện có khoảng 11,7 triệu hợp đồng có hiệu lực. Ước tính, khoảng 10% người dân tham gia hợp đồng bảo hiểm. Nhóm 5 doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu thị trường về tổng doanh thu phí bảo hiểm vẫn là Bảo Việt nhân thọ, Manulife, Prudential, Dai-ichi và AIA.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thời gian qua các doanh nghiệp thực sự vào cuộc, thay đổi quy trình và cải tiến sản phẩm. Năm 2024 cũng là năm các công ty bảo hiểm có bước cải tiến nhanh nhất từ trước đến nay.
Chia sẻ tại Họp báo Kỷ niệm 25 năm thành lập Manulife Việt Nam, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam nhận định, doanh nghiệp bảo hiểm đang làm "thực chất", sửa đổi quy trình thay vì "làm màu" như vài năm trước. Các công ty bảo hiểm đang tập trung cải tiến theo quy định mới của Luật áp dụng từ năm 2024.
Ngoài ra, doanh số thị trường trong ngắn hạn vẫn giảm, song đây là cơ hội để thanh lọc đội ngũ bán hàng và phát triển về dài hạn.
Năm 2024 có thể xem là năm chuyển mình của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Hầu hết các bên đều xúc tiến thay đổi chính mình sau sự cố ảnh hưởng đến niềm tin giai đoạn 2022-2023, bao gồm thay đổi về sản phẩm, quy trình nghiệp vụ, cải thiện hợp đồng minh bạch hơn và dễ hiểu hơn cho khách hàng… để đảm bảo tư vấn đủ cho khách hàng.
Ông Dũng đánh giá, tiềm năng của thị trường còn rất lớn, không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ đưa ra nghị quyết riêng về chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm, mục tiêu đến năm 2025, 15% người dân Việt Nam có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Đến năm 2030, tỷ lệ này tăng lên 18%.
Những mục tiêu này còn khá khiêm tốn so với các nước phát triển khác nhưng điều này chứng tỏ bảo hiểm Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. Sau những sự kiện khủng hoảng 2022 - 2023, trong ngắn hạn, thậm chí là năm nay, doanh thu bảo hiểm có thể vẫn giảm nhưng về dài hạn sẽ ổn định, những khách hàng thực sự hiểu được ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ sẽ gắn bó lâu dài hơn.
Minh An (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.