Ngành cà phê hướng tới xuất khẩu 1,8 triệu tấn
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 1,8 triệu tấn và tiếp cận được các thị trường cao cấp, ngành cà phê cần đẩy mạnh chế biến sâu, hình thành các vùng nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn tín chỉ carbon...
Tại Hội thảo "Cà phê Việt Nam: Tăng lợi ích cho người trồng, hỗ trợ doanh nghiệp", ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột - cho biết, mục tiêu xuất khẩu cà phê trong năm nay có thể vượt mốc 6 tỷ USD, với sản lượng khoảng 1,7-1,8 triệu tấn.

Ảnh minh họa
Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và đang dẫn lượng cà phê robusta xuất khẩu. EU vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cà phê Việt Nam, trong đó 3 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cà phê Việt Nam là Đức, chiếm 11%, Italia chiếm 8,1% và Tây Ban Nha khoảng 8%.
Hiện, mới khoảng 10% sản lượng cà phê được đưa vào chế biến sâu, với giá trị trung bình khoảng 6.000 USD/tấn. Đáng chú ý, Việt Nam đã bắt đầu sản xuất cà phê đặc sản với giá bán cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với mặt bằng thế giới.
Chuyên gia thị trường Nguyễn Quang Bình lý giải nguyên nhân tỷ lệ chế biến sâu thấp, ông cho rằng đó là điều hoàn toàn bình thường trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ông, cần nhìn nhận vào thực tế sản xuất. Việt Nam có khoảng 1,6 - 1,8 triệu tấn cà phê mỗi năm, nhưng đến 90% sản lượng do các hộ nhỏ lẻ sản xuất, thu hoạch. Mỗi hộ chỉ có sản lượng 3-5 tấn, rất hiếm trang trại đạt sản lượng 100 tấn trở lên. Việc sản xuất nhỏ lẻ gây hạn chế trong việc đầu tư chế biến sâu.
Bên cạnh đó, cà phê Việt Nam lượng chế biến sâu còn hạn chế vì nhu cầu tiêu thụ nội địa thấp; tiêu thụ trong nước mới khoảng 5-10% sản lượng, trong khi con số này ở Brazil - quốc gia xuất khẩu lớn nhất hiện nay, tương đương hơn 1/3 sản lượng. Việc tiêu thụ nội địa mạnh giúp chế biến sâu ổn định, gia tăng giá trị sản phẩm.
Các doanh nghiệp, chuyên gia tại Hội thảo cho rằng phải tổ chức lại sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng cà phê; nâng cao hơn nữa giá trị mang lại cho người trồng. Các thị trường nhập khẩu cũng có những đòi hỏi mới như sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn tín chỉ carbon.
Do vậy, nông dân cần được tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu đạt chuẩn phát triển bền vững. Đặc biệt, tỷ lệ chế biến sâu phải được nâng lên 40-45%. Đồng thời, người trồng cũng cần nâng cao năng lực thị trường - biết phân tích xu hướng, chủ động trữ hàng và bán ra vào thời điểm giá tốt, hướng đưa kim ngạch ngành cà phê Việt Nam vượt mốc 10 tỷ USD.
Bà Bùi Hoàng Yến - phụ trách Văn phòng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tại TPHCM - cho biết, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu cà phê ngày càng cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt với những yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt như chứng chỉ bền vững, không phá rừng... Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương và hiệp hội ngành hàng triển khai nhiều giải pháp thiết thực.
Một trong những điểm nhấn là việc xây dựng chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao giá trị và bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm cà phê Việt trên thị trường quốc tế. Đồng thời, Bộ cũng tích cực hỗ trợ quảng bá cà phê ra nước ngoài thông qua nhiều kênh xúc tiến thương mại.
Để tiếp cận được các thị trường cao cấp, sản phẩm xuất khẩu bắt buộc phải có tín chỉ carbon. Do đó, Bộ đang phối hợp tổ chức các chương trình tập huấn về chuyển đổi số, xuất khẩu bền vững và nâng cao kỹ năng cho doanh nghiệp. Thậm chí, nông dân cũng được hướng dẫn cách livestream để bán hàng hiệu quả hơn, bà Yến chia sẻ.
Minh An (t/h)
Đại biểu Quốc hội vừa đề xuất kéo dài miễn, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.