Ngành Công Thương TP. Cần Thơ: Một năm nỗ lực vượt khó

Địa phương
03:20 PM 03/01/2023

Năm 2022, trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới và đất nước có nhiều biến động, mặt hàng xăng - dầu thiếu hụt gây khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu hàng hóa… nhưng với sự cố gắng nỗ lực vượt bậc, ngành Công Thương TP. Cần thơ đã vượt khó hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra.

Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội thành phố phát triển trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo dài; lạm phát cuối năm có xu hướng gia tăng, nguồn cung và giá xăng, dầu không ổn định đã ảnh hưởng đến quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Với quyết tâm phục hồi, phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Lực lượng QLTT thành phố kiểm tra các mặt hàng thiết yếu tại Trung tâm thương mại Cái Khế, phường Cái Khế.

Lực lượng QLTT thành phố kiểm tra các mặt hàng thiết yếu tại Trung tâm thương mại Cái Khế, phường Cái Khế.

Cùng với sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND thành phố, UBND thành phố và sự đồng hành, tham gia từ cộng đồng doanh nghiệp; tình hình kinh tế - xã hội thành phố có sự bứt phá ấn tượng nhất; từ việc xếp vị trí 21 về GRDP trong 6 tháng đầu năm 2022 (đạt 8,04%) đã vươn lên vị trí thứ 3 trong top 10 địa phương dẫn đầu GRDP 9 tháng với mức tăng 17,57% và cả năm 2022, thành phố Cần Thơ là địa phương có tốc độ tăng GRDP đứng hạng thứ 6 so với cả nước; xếp thứ 2 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (sau Hậu Giang) và thứ 5 thành phố trực thuộc Trung ương (sau Đà Nẵng) với tốc độ tăng trưởng đạt 12,64% so với năm 2021 (lần đầu tiên thành phố có mức tăng trưởng đạt 2 con số).

Theo đó, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 ước tăng 29,59% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 35,38%, ngành phân phối điện tăng 12,83%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 9,59% so cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước thực hiện 118.082,304 tỷ đồng, tăng 41,48% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ năm 2022: ước thực hiện 2.285,7 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ (so với kế hoạch đạt hơn 113,15%). 

Các máy móc hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp trưng bày tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2022.

Các máy móc hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp trưng bày tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2022.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước thực hiện 564,5 triệu USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ (so với kế hoạch đạt 112,91%). Cấp giấy Chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (C/O), năm 2022, đã tiếp nhận và cấp tổng cộng 18.177 bộ hồ sơ C/O, tăng 3.935 bộ so với cùng kỳ năm 2021; với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa hơn 1,49 tỷ USD, tăng 426,94 triệu USD so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài ra, sản lượng điện tiêu thụ năm 2022 ước đạt 2.705,41 triệu kWh, tăng 17,15% so với cùng kỳ năm 2021. Toàn thành phố đã tiết kiệm điện năng ước đạt 63,78 triệu kWh, tăng 4,25% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã tham mưu UBND thành phố danh sách Ưu tiên cấp điện trên địa bàn thành phố năm 2022; Bổ sung tuyến đường dây trung thế 3 pha đoạn từ QL91 đến Trường Cao Đẳng Cơ Điện và nông nghiệp Nam Bộ vào kế hoạch đầu tư công. 

Đề xuất hướng giải quyết vướng mắc đường dây 500kV Ô Môn - Long Phú. Đầu tư tuyến điện trung hạ thế đảm bảo an toàn điện cho các hộ dân ở trong hành lang an toàn lưới điện cao áp thuộc nhánh Base… song song đó, Sở chủ trì và phối hợp với các Sở, ban ngành và đơn vị có liên quan thực hiện: Dự án cụm năng lượng Ô Môn; Hỗ trợ cung cấp điện Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP); Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn (Quy hoạch điện VIII theo quản lý ngành); Hỗ trợ nhà đầu tư dự án nhà máy điện sinh khối tại thành phố.

Trong năm qua, ngành Công Thương thành phố còn triển khai có hiệu quả chương trình bình ổn giá trong dịp tết Nguyên đán và đưa hàng Việt về nông thôn. Thông qua việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn không tính lãi để dự trữ các mặt hàng thiết yếu và các chuyến hàng Việt về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã góp phần quan trọng trong việc bình ổn thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, hạn chế và kiểm soát được hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; tạo cơ hội và điều kiện cho các doanh nghiệp có uy tín mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh; quảng bá, giới thiệu hàng Việt về vùng nông thôn. Cùng với đó các hoạt động khuyến công, hỗ trợ phát triển công nghiệp, xúc tiến thương mại, quản lý thị trường đã đạt nhiều kết quả. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường…

Năm 2023, ngành Công thương thành phố tiếp tục tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nội địa thông qua các chương trình kết nối, liên kết trong nước, song song với việc triển khai các chương trình khuyến mại tập trung và các chương trình phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Tập trung kêu gọi vào các dự án như: Logistics, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam… 

Lực lượng QLTT thành phố thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… từ ngày 15/11/2022 đến ngày 15/2/2023, Nhằm bảo đảm bình ổn thị trường, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm tết của nhân dân.

Lực lượng QLTT thành phố thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… từ ngày 15/11/2022 đến ngày 15/2/2023

Đẩy mạnh phát triển liên kết vùng trong xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, TP. HCM và các tỉnh, thành khác trong cả nước để nâng cao giá trị thương mại trong năm 2023.

Triển khai thực hiện các kế hoạch giải pháp bình ổn các mặt hàng thiết yếu theo đúng kế hoạch, trong đó thường xuyên theo dõi đảm bảo cung ứng các mặt hàng xăng dầu; không để thiếu xăng dầu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, sinh hoạt của nhân dân. Phấn đấu trong năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5% so với năm 2022. 

Trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,05%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,60%; cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 7%. Sản lượng điện tiêu thụ ước đạt 2.893,68 triệu kWh và tiết kiệm điện năng ước đạt 64,111 triệu kWh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch trong năm ước đạt 125.710,79 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 2.120 triệu USD…


Văn Dương - Hồng Ân
Ý kiến của bạn