Ngành da giày tận dụng tốt lợi thế của các hiệp định thương mại tự do
Xuất khẩu ngành da giày đã tận dụng tốt lợi thế của các hiệp định thương mại tự do, nhất là các khối thị trường EVFTA, CPTPP. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành đến hết năm 2024 ước đạt 26-27 tỷ USD.
Theo Tổng Cục hải quan, xuất khẩu giày dép trong 9 tháng qua đạt hơn 16,4 tỷ USD, tăng 12% và xuất khẩu túi xách đạt 3 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian qua cũng có những chuyển biến và phát huy hiệu quả tích cực, giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí và đạt doanh thu cao.
Xuất khẩu da giày vẫn tập trung chủ yếu vào 5 thị trường chính là Bắc Mỹ, EU, châu Á, Nam Mỹ, châu Úc trong đó 16 nước nhập lớn nhất như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Hà Lan, Đức, Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Australia, Mexico, UAE và Đài Loan.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải một số thách thức khi chính phủ các nước nhập khẩu đang đưa ra những quy định là rào cản cho xuất khẩu da giày Việt Nam.
Chia sẻ về vấn đề này tại Toạ đàm "Xúc tiến thương mại, tạo “đòn bẩy” cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo" do Báo Công Thương tổ chức mới đây, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp Hội Da giày - Túi xách Việt Nam nhận định, ngành da giày Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển.
Song một trong những thách thức lớn hiện tại là yêu cầu truy xuất nguồn gốc đối với nguyên phụ liệu ngày càng trở nên chặt chẽ ở các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ; hay ngành da giày đang phải đối diện với nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá ở một số thị trường tăng trưởng xuất khẩu đột biến như ở Mexico, hay như tại thị trường Ấn Độ, các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ các điều kiện kiểm soát trực tiếp và phải được cấp giầy chứng nhận mới có thể được xuất nhập khẩu vào thị trường này.
Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành đến hết năm 2024 ước đạt 26-27 tỷ USD, những tháng còn lại của năm, ngành da giày Việt Nam tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường, đồng thời chú trọng duy trì thị trường truyền thống như Mỹ, EU do sức mua và dung lượng thị trường lớn, đặc biệt, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường có các FTA.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương trong thời gian qua đã thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp chế tạo nói chung và sản phẩm da giày – túi xách nói riêng. Thông qua các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương đã giúp các doanh nghiệp trong ngành chế biến chế tạo phát triển mở rộng được thị trường.
Bên cạnh các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc,… các chương trình xúc tiến thương mại đang mở rộng và phát triển ra các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi, giúp các doanh nghiệp tiếp cận các đối tác mới, đồng thời nắm bắt được xu hướng sản phẩm, nhu cầu thị hiếu thị trường, góp phần thúc đẩy đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới. Tăng cường xúc tiến thương mại tiếp tục giữ vững và củng cố vị thế tại các thị trường đã có các Hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, để hỗ trợ địa phương, ngành hàng trong việc thực hiện xúc tiến thương mại trọng tâm và có hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới, Hiệp Hội Da giày - Túi xách Việt Nam kiến nghị các thương vụ Việt Nam tại các nước sở tại nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá tình hình thị trường, cập nhật các quy định, cơ chế chính sách mới của các nước để kịp thời tham mưu với Bộ Công Thương và Chính phủ nhằm có phản ứng chính sách hiệu quả.
Các thương vụ cũng cần cung cấp các thông tin và các khuyến nghị thiết thực giúp các Hiệp hội, ngành hàng trong việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo dựng thương hiệu, phát triển thị trường và khai thác có hiệu quả các FTA đã có hiệu lực tại khu vực châu Âu.
Huyền My (t/h)Theo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.