Ngành dệt may gặp nhiều khó khăn trong mùa Covid mới

Tiếp thị
05:10 PM 04/08/2020

Covid-19 bùng phát lại, ngành dệt may tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do bị hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán….

Doanh thu của ngành dệt may giảm thấp

Theo thống kê vừa được Bộ Công Thương công bố tại báo cáo sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm cho thấy, sản xuất dệt nửa đầu năm tăng 2,8%, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ 2019. Sản xuất trang phục tháng 6 tăng 17,5% so với tháng 5 nhưng tính chung 6 tháng vẫn giảm gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều chủ yếu tập trung trong khoảng thời gian tháng 5, tháng 6.

Đây là lần đầu tiên kim ngạch dệt may trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam chứng kiến mức giảm mạnh trong 1 thập kỷ trở lại đây. Kết quả này một lần nữa cho thấy rõ tác động của dịch bệnh Covid-19 lên các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã chứng kiến ngay mức doanh thu giảm 20% trong quý I/2020 và tiếp tục trượt giảm ở quý II/2020, thời gian mở LC cũng kéo dài.

Cùng với tình trạng hủy đơn hàng là tình trạng giãn đơn hàng, với các đơn hàng giao trong tháng 3 đều bị lùi xuống tháng 4, tháng 5. Nhiều doanh nghiệp còn chuyển sang may khẩu trang trong nỗ lực duy trì được việc làm cho công nhân, hạn chế tổn thất do dịch bệnh. Tuy nhiên hiện nay, khi thị trường trong nước đã bão hòa, các doanh nghiệp phải tìm cách xuất khẩu sang nước ngoài dẫn tới cạnh tranh ở mức cao. Tuy thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp có các đơn hàng khẩu trang đến hết quý III/2020 và có thể giúp duy trì tạo công ăn việc làm cho công nhân trong thời điểm khó khăn do Covid-19 gây ra, nhưng biên lợi nhuận chưa được cao do có tới 80% các đơn hàng làm khẩu trang theo hình thức gia công, chưa tạo được nhiều giá trị thặng dư như đơn hàng FOB, ODM. Hơn nữa, nếu trong giai đoạn tới, khi xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động giảm sẽ khiến doanh nghiệp còn khó khăn hơn nữa vào những tháng cuối năm.

Ngành dệt may gặp nhiều khó khăn trong mùa Covid mới - Ảnh 1.

Cần tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận

Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều trông đợi vào tình hình khả quan ở một số thị trường xuất khẩu truyền thống trong 6 tháng cuối năm để tái khởi động sản xuất các đơn hàng đã ký trước khi có dịch Covid-19.

Tuy nhiên, với tình hình thị trường như hiện nay, dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm tiếp tục giảm khoảng từ 14-18% so với cùng kỳ, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 vào khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với 2019. Theo báo cáo tháng 6 và 7 tháng của ngành Công Thương, sản xuất trang phục tháng 7 tăng 13,2% so với tháng 6, nhưng tính chung 7 tháng vẫn giảm gần 5% so với cùng kỳ 2019. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may mặc 7 tháng ước đạt gần 16,2 tỷ USD, giảm hơn 12%; xơ, sợi dệt các loại cũng giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Là một ngành sử dụng nhiều lao động, theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, kim ngạch xuất khẩu của ngành trong sáu tháng qua giảm khoảng 20% so cùng kỳ do dịch Covid-19. Ðiều này là tất nhiên bởi vì không có quan hệ mua bán, hàng đã sản xuất không xuất được, người lao động thiếu việc làm,... Muốn duy trì hoạt động và lực lượng lao động, DN phải bố trí lại sản xuất, thậm chí phải cắn răng tổ chức sản xuất cho đủ, nếu không, người lao động bỏ đi làm việc khác, đến khi thị trường khôi phục muốn mời họ quay về không phải đơn giản.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, đến cuối quý II/2020, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội; nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu được hàng hóa theo các đơn hàng đã ký trước đây. Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, theo chu kỳ hàng năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may tại các dịp lễ, tết, Giáng sinh tăng cao.

Ðể vượt khó, DN vừa phải chủ động điều tiết sản xuất, đồng thời phải linh hoạt điều chỉnh các đơn hàng sản xuất nhằm đáp ứng tình hình trong bối cảnh mới. Trong đó, tận dụng hiệu quả các nguồn lực, đi vào phát triển thị trường ngách, nhận những đơn hàng tương đối đặc biệt là đơn hàng nhỏ, khó, đòi hỏi kỹ thuật cao,...

Ng. Hương
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách dịp lễ 30/4 và 1/5 Hà Nội: Đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách dịp lễ 30/4 và 1/5

Sở Du lịch Hà Nội vừa đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn Thành phố trong dịp nghỉ Lễ.