Ngành điện tử Việt Nam xuất khẩu mạnh nhưng vẫn ở đáy "đường cong nụ cười"

Kinh doanh
08:55 AM 20/06/2024

Dù ngành điện tử thu về hàng trăm tỷ USD xuất khẩu mỗi năm nhưng Việt Nam vẫn nằm ở đáy của “đường cong nụ cười” do chủ yếu làm lắp ráp, gia công nên giá trị gia tăng thấp.

Các chuyên gia đánh giá công nghiệp điện tử Việt Nam là ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu trong các ngành chế biến chế tạo của Việt Nam hơn 10 năm qua.

Ngành điện tử Việt Nam xuất khẩu mạnh nhưng vẫn ở đáy "đường cong nụ cười"- Ảnh 1.

Chỉ riêng năm 2021 cả nước xuất siêu 4 tỷ USD trong khi ngành điện tử xuất siêu 11,5 tỷ USD. Còn năm 2022 cả nước xuất siêu 11,2 tỷ USD thì ngành điện tử xuất siêu 11,246 tỷ USD.

Đến năm 2024, dù mới đi nửa chặng đường của năm, theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm, trong Top 4 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, xuất khẩu nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 27,01 tỷ USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm ngoái; nhóm điện thoại các loại và linh kiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng trên 11% so với cùng kỳ.

Tại hội thảo “Chính sách xuất nhập khẩu nguyên liệu, vật tư linh kiện và sản phẩm công nghệ thông tin” mới đây, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhìn nhận những kết quả đạt được trên chủ yếu do đóng góp phần lớn từ khối doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp điện tử Việt Nam còn rất nhiều hạn chế về quy mô, công nghệ; thị trường trong nước chủ yếu từ nhập khẩu hoặc các nhãn hiệu nước ngoài. Ở mảng phần cứng có đến 99% các thiết bị điện tử viễn thông tại Việt Nam đang sử dụng là nhập khẩu từ nước ngoài.

Ngành công nghiệp điện tử, chế biến chế tạo Việt Nam có đặc thù là thâm dụng lao động lớn. Điều đó ngược hẳn với ngành công nghiệp điện tử ở các nước khác trên thế giới khi tập trung vốn và công nghệ. Nguyên nhân do Việt Nam chủ yếu tập trung vào khâu hạ nguồn, chủ yếu là lắp ráp và thâm dụng lao động.

Ông Phạm Hải Phong, Chánh văn phòng Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho hay xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam dù rất lớn nhưng được định vị ở phần giá trị gia tăng thấp của chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này có nghĩa các nhà cung cấp Việt Nam được định vị ở cuối, đáy đồ thị “đường cong nụ cười” của chuỗi cung ứng, thuộc phần sản xuất linh kiện đầu vào bậc thấp, sản xuất lắp ráp một số sản phẩm đơn giản. Các nhà sản xuất linh kiện Việt Nam chủ yếu tham gia vào lớp thứ 2, 3 trong chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, các khâu quan trọng của chuỗi sản xuất như R&D, xây dựng thương hiệu, thiết kế, logistics, tiếp thị, bán hàng,... đều thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Lớp có giá trị gia tăng lớn nhất của đường cong là các nhà sản xuất, lắp ráp lớn có thương hiệu, phát triển sản phẩm cuối cùng thường nắm các khâu R&D, xây dựng thương hiệu và bán hàng.

Ngành điện tử Việt Nam vẫn có nhiều khó khăn, tuy nhiên, theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Việt Nam đang được hưởng lợi bởi sự cạnh tranh gay gắt công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, sự chuyển dịch của nhà đầu tư sang Việt Nam là xu hướng, song lợi thế nắm bắt được hay không tùy thuộc vào doanh nghiệp.

Cơ hội bứt phá sẽ đến với những doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ và vận dụng thế mạnh để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Hy vọng trong tương lai không xa, công nghiệp điện tử bứt phá có giá trị cao hơn chuỗi cung ứng như thiết kế, marketing, nhích dần lên trên "đường cong nụ cười”, bà Thuý Hương chia sẻ.

“Đường cong nụ cười” là phát kiến của Chủ tịch hãng Acer, ông Stan Shih. Đồ thị "đường cong nụ cười" thường được dùng để nói về vai trò các thành phần trong chuỗi cung ứng: giá trị cao nhất thuộc về các mảng R&D (nghiên cứu và phát triển), dịch vụ sau bán hàng, thiết kế, marketing; giá trị thấp hơn thuộc về logistic thu mua, logistic phân phối; thấp nhất ở khâu sản xuất.

Hàm ý của “đường cong nụ cười” là doanh nghiệp muốn gia tăng lợi nhuận thì tránh sa đà vào việc tập trung gia công và lắp ráp, mà hãy không ngừng đẩy mạnh hoạt động về hai phía đồ thị.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.