Ngành điều hạ chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu xuống 3,05 tỷ USD

Xuất nhập khẩu
02:45 PM 27/07/2023

Trước tình hình khó khăn, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) tiếp tục đề nghị điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu nhân điều năm 2023 đạt 3,05 tỷ USD, giảm 50 triệu USD so với kế hoạch đã đề ra.

Chiều 26/7, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngành điều 6 tháng đầu năm 2023.

Theo báo cáo của VINACAS, 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành đã xuất khẩu được trên 279 ngàn tấn điều nhân các loại với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,6 tỷ USD, tăng 9,49% về lượng và tăng 7,65% về trị giá. Tuy nhiên, giá xuất khẩu nhân điều bình quân chỉ đạt khoảng 5.717 USD/ tấn, giảm 1,73% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngành điều hạ chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu xuống 3,05 tỷ USD - Ảnh 1.

Điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu điều nhân năm 2023 giảm 50 triệu USD. Ảnh: Internet

Về tình hình tiêu thụ, các thị trường chủ lực đều đang chủ động "thắt lưng buộc bụng", giảm chi tiêu đối với những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu. Trong khi đó, các nước châu Phi đang tiến dần đến việc tự sản xuất chế biến nhân điều (tương tự nhà máy tại Việt Nam đang làm), do đó nguồn nguyên liệu châu Phi nhập về Việt Nam thường là điều thô phẩm cấp thấp. Các doanh nghiệp nhập khẩu lưu trữ hàng trong kho với thời gian dài dẫn đến chất lượng điều nhân chế biến cũng giảm sút.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực VINACAS, cảnh báo: Mới đây, VINACAS nhận được than phiền từ các nhà nhập khẩu châu Âu, phản ảnh chất lượng điều nhân của doanh nghiệp Việt Nam giảm đi và nhiều lô hàng có tồn dư côn trùng sống.

Trước tình hình đó, VINACAS dự báo 2 kịch bản có thể xảy ra trong 6 tháng cuối năm.

Theo kịch bản tốt, việc kích cầu, đẩy nhanh tiêu thụ sẽ giúp giảm lượng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ lớn gồm Mỹ, châu Âu. Qua đó đẩy nhu cầu mua hàng vào cuối năm; việc tăng cường kiểm soát chất lượng của các thị trường trọng điểm sẽ làm cho nhân điều giá thấp, chất lượng kém sẽ khó tiếp cận các thị trường này.

Ở kịch bản không tốt, VINACAS đặt giả thiết về việc kinh tế toàn cầu tiếp tục suy thoái, hạt điều không phải là mặt hàng thiết yếu nên nhu cầu của “người tiêu dùng cuối cùng” sẽ tiếp tục giảm. Người mua ở các thị trường vẫn chưa vội mua điều nhân cho đến khi họ thấy sự gia tăng trở lại và đảm bảo lợi nhuận phù hợp.

Đánh giá các yếu tố của thị trường, VINACAS đã đề nghị điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu nhân điều năm 2023 xuống còn 3,05 tỷ USD, giảm 50 triệu USD so với kế hoạch đã đề ra trước đó và thấp hơn 750 triệu USD so với kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề ra cho ngành điều từ đầu năm.

Để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của ngành điều, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch VINACAS kiến nghị Nhà nước tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu hạt điều Việt Nam.

Bên cạnh đó, để tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm bao gồm các thị trường EVFTA và CCTPP, việc tăng cường quảng bá sản phẩm điều Việt Nam để người tiêu dùng biết đến và sử dụng sản phẩm là điều rất quan trọng. Quảng bá có thể được thực hiện thông qua các kênh truyền thông, các hội chợ triển lãm và các chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn