Ngành điều nhập siêu lần đầu tiên sau 31 năm
Gần 1 tỷ USD là con số nhập siêu đầu tiên sau 31 năm của ngành điều trong nửa đầu năm 2021.
Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu 1.710.517 tấn điều thô, trị giá 2,609 tỷ USD, tăng 168% về lượng và tăng 227,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Riêng nhập khẩu điều thô trong tháng 6/2021 đạt 300.524 tấn, trị giá 405,346 USD, tăng 10,6% về lượng và tăng 4,9% về giá trị so với tháng 6/2020.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu điều đạt 273.537 tấn, trị giá 1,647 tỷ USD, tăng 21,8% về lượng và 10,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu điều nhân trong tháng 6/2021 đạt 58.746 tấn, trị giá 369,502 USD, tăng 11,1% về lượng và tăng 13,9% về trị giá so với tháng 6/2020.
Tính ra, trong nửa đầu năm 2021 ngành điều đã nhập siêu gần 1 tỷ USD.
Năm 1990, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu nhân điều và sau 31 năm xuất khẩu nhân điều thì năm nay lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận nhập siêu.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), đánh giá, việc gia tăng nhập khẩu điều thô đang khiến nông dân trồng điều trong nước rơi vào cảnh khó tiêu thụ điều tươi khi vào mùa thu hoạch. Doanh nghiệp tăng nhập khẩu điều thô đã đẩy giá điều tươi trong nước xuống thấp khi vào chính vụ thu hoạch.
"Công suất của các nhà máy chế biến điều Việt Nam lên đến 1,6 triệu tấn/năm, nhưng nguồn nguyên liệu nhập khẩu những năm trước lại chiếm đến 3/4 công suất chế biến. Tình trạng này chứng tỏ hầu hết lợi nhuận mang về từ ngành điều bị các quốc qua xuất khẩu điều thô thụ hưởng", ông Toản khẳng định với Tạp chí Kinh doanh.
Hiệp hội Điều Việt Nam từng cảnh báo, việc gia tăng nhập khẩu hạt điều cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Bởi lượng nhân điều trắng hoặc còn vỏ lụa, đã sấy khô được nhập khẩu gia tăng nhanh chóng, đây không phải là nguyên liệu như hạt điều thô mà là sản phẩm đã qua chế biến. Việc này rất khó để kiểm soát chất lượng, nhất là vệ sinh, an toàn thực phẩm. Do đó, rất dễ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu chung của sản phẩm điều Việt Nam trên thị trường thế giới.
Song ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 chia sẻ với Bizlive: "Tôi cho rằng trong thời kinh tế thị trường chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi, phải sòng phẳng với thế giới, muốn ngành điều của Việt Nam hơn người ta thì người nông dân phải sản xuất như thế nào để đạt được năng suất, chất lượng tốt, chứ không thể yêu cầu doanh nghiệp mua giá cao hơn trong khi chất lượng không tương xứng, vì mua giá cao hơn thị trường sẽ bị lỗ và không có doanh nghiệp nào chịu làm như vậy.
Đâu có ai muốn kinh doanh lỗ, cho nên câu chuyện nâng giá mua cho nông dân là rất cảm tính, rất phi thị trường và là tư duy còn xót lại của thời bao cấp.
Việt Nam là nước xuất khẩu nhân điều số 1 thế giới nhưng phải chấp nhận sự thật là phải nhập khẩu điều thô về để chế biến và xuất khẩu nhân điều thành phẩm, miễn sao tạo ra giá trị thặng dư cho đất nước là được".
Về vấn đề của ngành điều, mới đây, Bộ Công Thương có đề xuất Bộ NN&PTNT nghiên cứu để mở rộng diện tích trồng điều ở những vùng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp. Nếu có thể sản xuất thêm điều thô trong nước thì không những giúp được ngành điều tự chủ hơn về nguyên liệu mà còn tạo thêm được việc làm và thu nhập cho bà con nông dân.
Liên quan đến đề xuất này, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt - cho rằng, việc mở rộng diện tích trồng điều là vấn đề cần thận trọng xem xét, bởi phải dựa trên lợi thế của địa phương có phù hợp để tăng diện tích hay không. Đặc biệt, nếu mở rộng diện tích nhưng năng lực cạnh tranh về giá thành, chất lượng không tốt hơn hàng nhập khẩu thì chắc chắn doanh nghiệp vẫn sẽ nhập khẩu hạt điều.
Do vậy, Bộ NN&PTNT đã và đang phối hợp với các địa phương triển khai các chương trình tái canh vườn điều hiệu quả, nâng cao năng suất chất lượng. Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến ngành điều cũng cần phối hợp với cơ quan chức năng để xây dựng vùng nguyên liệu, đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành điều.
Hoài Thương (t/h)Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.