Ngành điều Việt 'lớn nhưng chưa mạnh'
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), đến nay, ngành điều Việt Nam vẫn giữ vị trí số 1 thế giới về sản lượng (chiếm 80% thương mại điều nhân toàn cầu), dù Vinacas mới có đề nghị xin giảm chỉ tiêu xuất khẩu điều xuống 3,2 tỷ USD trong năm 2022. Nhưng nếu tự bằng lòng với những gì đã có mà quên đầu tư cho đổi mới sáng tạo, ngành điều Việt Nam có thể bị đánh bại bởi nhiều đối thủ cạnh tranh.
Ngành điều với "bẫy" số 1 thế giới
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã giao ngành điều kế hoạch xuất khẩu 3,8 tỷ USD trong năm 2022. Chỉ tiêu này được đặt ra dựa trên kết quả công tác năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 hồi đầu tháng 1/2022, Vinacas đã từng rất lạc quan về xuất khẩu điều trong năm 2022, bởi với kim ngạch xuất khẩu hạt điều năm 2021 đạt mức kỷ lục 3,64 tỷ USD.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 2/2022, dịch bệnh COVID-19 trong nước diễn biến phức tạp hơn, tình hình chính trị trên thế giới, đặc biệt là tại Châu Âu (EU) có khả năng bất ổn hơn khi xung đột giữa Nga và Ukraine đang rất căng thẳng nên Hội đồng thông tin của Vinacas đã họp và xác định sẽ lập văn bản đề nghị Bộ NNPTNT điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu hạt điều năm 2022 từ 3,8 tỷ USD xuống còn 3,2 tỷ trong năm 2022. Nếu đến khoảng giữa năm 2022, tình hình thế giới ổn định, tiêu thụ điều tốt hơn, Vinacas sẽ tiếp tục điều chỉnh tiếp với Bộ NNPTNT cho phù hợp tình thực tế.
Đến nay, với con số xuất khẩu trên, ngành điều Việt Nam vẫn giữ vị trí số 1 thế giới về công nghệ và sản lượng điều nhân xuất khẩu (chiếm 80% thương mại điều nhân toàn cầu), có vai trò quan trọng đối với thị trường điều thô toàn cầu.
Tuy đã được xuất khẩu chính ngạch sang hơn 100 quốc gia trên thế giới và người tiêu dùng nhiều nước cũng đã biết đến thương hiệu điều Việt Nam nhưng thực chất chuỗi ngành hàng này vẫn chưa phát triển bền vững.
Bởi, dù là nước xuất khẩu nhân điều lớn nhưng Việt Nam cũng nhập khẩu điều với số lượng không nhỏ. Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 609,26 nghìn tấn nhân điều với tổng kim ngạch đạt gần 3,75 tỷ USD, tăng 16,81% so với năm 2020. Nhưng ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu khoảng 3,149 triệu tấn điều nguyên liệu, điều đã qua sơ chế để phục vụ chế biến.
Ngoài nguyên nhân trên, ngành điều còn gặp tình trạng thiếu container, trong khi chiều nhập hàng về lại thừa container rỗng, chính vì vậy, không ít doanh nghiệp đã tận dụng container rỗng này để nhập hàng về.
Theo các chuyên gia, việc nhập khẩu điều nguyên liệu là hoàn toàn bình thường bởi hiện nay nhu cầu thế giới về sản phẩm điều rất lớn, cung trong nước không đủ thì việc nhập khẩu hạt điều để sản xuất, chế biến và phục vụ xuất khẩu là điều nên làm. Tuy nhiên, từ đây cũng có thể thấy, ngành điều của Việt Nam đang bị yếu bởi khâu cung cấp nguyên liệu.
Các doanh nghiệp lại gặp khó trong việc mở rộng diện tích bởi phần lớn đất nông nghiệp ở nhiều vùng trồng điều trọng điểm hiện nay lại được ưu tiên để phát triển các dự án bất động sản. Bên cạnh đó, việc gia tăng nhập khẩu đang khiến nông dân trồng điều trong nước lâm vào cảnh khó tiêu thụ sản phẩm, giá thu mua hạt điều tươi tại thị trường trong nước biến động.
Ngoài yếu bởi việc phát triển vùng nguyên liệu, công đoạn chế biến của ngành điều vẫn bị đánh giá là thô sơ, mang tính chất thủ công, sử dụng nhiều lao động tay chân dù đã có sự đầu tư về máy móc công nghệ nên sản phẩm chưa thực sự đa dạng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng khuyến cáo, các doanh nghiệp ngành điều không được để rơi vào cái bẫy của chính mình khi tự bằng lòng với vị trí số 1 thế giới.
Gia tăng giá trị hạt điều bằng chế biến sâu
Không chỉ vậy, ngành điều còn gặp thách thức khi các nước nhập khẩu đều yêu cầu cao về chất lượng an toàn thực phẩm, môi trường, trách nhiệm xã hội trong khi ngành điều vẫn còn nhiều doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, chưa liên kết và đầu tư bài bản theo chuỗi giá trị bền vững.
Bên cạnh đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với các "đối thủ" đang được đánh giá cao về sản xuất và xuất khẩu điều như Ấn Độ, Tanzania hay một số nước châu Phi như Mozambique, Ghana... Các nước này không chỉ mạnh về khâu chế biến, phân phối, thương hiệu mà họ còn chủ động về vùng nguyên liệu và quan tâm đến sơ chế.
Bởi vậy, để làm giải quyết được các khó khăn trên, cần tính toán để mở rộng và bảo đảm diện tích trồng điều ở mức hợp lý thông qua việc liên kết sản xuất theo hướng bền vững. Nếu phát triển được vùng nguyên liệu và tăng năng suất cho phù hợp thì vừa có thể chủ động được nguồn nguyên liệu, vừa tiết kiệm được ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, muốn cạnh tranh lành mạnh thì doanh nghiệp phải nắm được quy luật thị trường. Thị trường hiện nay ngày càng yêu cầu cao về chất lượng nhưng sản phẩm chủ lực của ngành điều mới chỉ là điều nhân, điều rang muối… Chính vì vậy, muốn phát triển lâu dài phải từng bước đa dạng hóa sản phẩm thông qua việc đầu tư công nghệ. Không chỉ nhân điều mà những phần khác từ cây điều, hạt điều cũng cần được nhìn ra giá trị hoặc có thể kết hợp hạt điều với nhiều loại thực phẩm khác trong chế biến để nâng giá trị lẫn nhau.
Tại Đại hội khoá X nhiệm kỳ 2021-2026 của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong phát biểu nhận nhiệm vụ nhiệm kỳ mới, ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Vinacas cho biết, Vinacas sẽ tập trung vào hai mục tiêu lớn là: Phát triển mạnh chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường thế giới; giành vị trí xứng đáng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu. Phát triển mạnh vùng nguyên liệu theo hướng chất lượng, hiệu quả; vừa tạo thế chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cho chế biến, vừa góp phần thực hiện thành công chính sách Tam nông của nhà nước: nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trên cơ sở mục tiêu đó, Hiệp hội sẽ tập hợp các phản ánh từ thực tiễn sản xuất kinh doanh để kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng sửa đổi những quy định chưa hợp lý, bổ sung những quy định phù hợp liên quan đến các vấn đề lớn như nhân điều nhập khẩu, xuất khẩu máy móc thiết bị chế biến điều, chất lượng điều thô nhập khẩu...
Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng mới và sửa đổi các tiêu chuẩn liên quan, tổ chức tuyên truyền và thực hiện tốt nhằm góp phần bảo vệ chất lượng và thương hiệu của ngành điều Việt Nam; đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nhằm phát triển thị trường trong và ngoài nước...
An MaiTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.