Ngành đóng tàu Việt nỗ lực ghi dấu trên bản đồ thế giới
Với sự hỗ trợ của nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng bền vững, cùng chuỗi công nghiệp sản xuất và công nghiệp phụ trợ phát triển, ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam đang có tăng trưởng tăng nhanh và nỗ lực ghi dấu trên bản đồ của thế giới.
Theo Báo cáo nghiên cứu công nghiệp đóng tàu Việt Nam 2023-2032 trên "Research and Markets", nền tảng cơ sở dữ liệu nghiên cứu thị trường lớn nhất thế giới, ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hiện, Việt Nam có 97 nhà máy đóng tàu với trọng tải từ 1.000 DWT trở lên và có 68 nhà máy đóng mới - sửa chữa tàu thuyền. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy đóng tàu mới lên tới 2,6 triệu DWT/năm.
Với sự hỗ trợ của nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng bền vững, cùng chuỗi công nghiệp sản xuất và công nghiệp phụ trợ phát triển, thị phần của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Từ năm 2020 đến nay, trong khi nhiều lĩnh vực kinh tế chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19, ngành đóng tàu của Việt Nam lại có những bước phát triển vượt bậc và từng bước khẳng định mình trên thị trường quốc tế.
Theo danh sách Top 15 cường quốc đóng tàu toàn cầu (dữ liệu từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển) được trang Insider Monkey công bố, Việt Nam đứng vị trí thứ 7, với tỷ lệ % số tàu đã đóng trong năm 2021 đạt 0,61%. 6 quốc gia đứng đầu danh sách này lần lượt là Trung Quốc (44,2%), Hàn Quốc (32,4%), Nhật Bản (17,6%), Philippines (1,06%), Italy (0,82%) và Đức (0,63%).
Việc lọt vào danh sách Top 7 cường quốc đóng tàu trên thế giới là minh chứng rõ nét cho thấy năng lực và tiềm năng phát triển của ngành đóng tàu trong nước, từ đó thu hút được nhiều hợp đồng lớn trên thế giới.
Đặc biệt, cuối tuần trước, tại Hải Phòng, tàu hàng rời có tải trọng 65.000 tấn, là con tàu lớn nhất từ trước đến nay do doanh nghiệp Việt Nam đóng mới đã được hạ thuỷ, bàn giao cho khách hàng. Đồng thời, con tàu 65.000 tấn số 2 cũng đã được đặt để tiếp tục sản xuất. Sự kiện đánh dấu sự phát triển bứt phá của ngành đóng tàu của Việt Nam.
Ông Kenny Yong, Tổng Giám đốc Tập đoàn Fireworks Trade Media từng nhận định tại Triển lãm thiết bị máy móc hàng hải và đóng tàu Việt Nam (Vietnam International Marine, Shipbuilding & Offshore Expo 2023 - VIMOX 2023), ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam nổi lên như một "thế lực" cạnh tranh đáng gờm với sự tăng trưởng, khả năng phục hồi và thích ứng đáng kể.
Với đường bờ biển trải dài, lực lượng lao động lành nghề và vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam sở hữu lợi thế độc nhất trong việc nắm bắt các cơ hội do ngành hàng hải toàn cầu mang lại.
Hơn nữa, ngành đóng tàu ở nước ta còn luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của chính phủ. Theo đó, trong "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045", Việt Nam xác định kinh tế biển sẽ là động lực thúc đẩy những ngành kinh tế khác phát triển, từ đó tạo ra sự chuyển biến cơ bản, toàn diện cơ cấu kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Mặt khác, hiện nay, do nhu cầu vận chuyển bằng đường biển đang ngày một tăng cao nên ngành công nghiệp đóng tàu được cho là sẽ có nhiều cơ hội về thị trường.
Theo các chuyên gia, với sự tham gia của những công ty liên doanh cùng với những chính sách đầu tư và quan tâm của Nhà nước đã giúp ngành đóng tàu của Việt Nam ngày càng phát triển. Vì vậy, ngành công nghiệp này của Việt Nam dự kiến có thể vươn lên vị trí thứ 5, thậm chí là thứ 4 trong bảng xếp hạng các cường quốc đóng tàu lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Hàn quốc và Nhật Bản.
Tuy vậy, các doanh nghiệp ngành đóng tàu còn gặp nhiều khó khăn về vốn, công nghệ, độ phức tạp của dự án… Đây là điều mà DN cần vượt qua để đón cơ hội tốt từ thị trường.
Đồng thời, ngành đóng tàu của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập ngoại, đây là dư địa lớn để các nhà cung ứng vật tư trong nước lớn lên và tham gia vào chuỗi, từ đó thúc đẩy ngành này phát triển bền vững.
Vì vậy, để ngành công nghiệp đóng tàu khôi phục, khởi sắc, đặc biệt ghi dấu trên bản đồ hàng hải thế giới, các DN đóng tàu cần nâng cao năng lực tài chính; liên doanh liên kết, lấy lại niềm tin của khách hàng mà Việt Nam từng hợp tác đóng tàu tải trọng lớn.
Bên cạnh đó, cần những chính sách tạo điều kiện cho ngành đóng tàu, nghiên cứu ưu đãi vốn cho DN đóng tàu, khuyến khích hợp tác đầu tư liên doanh liên kết trong ngành đóng tàu, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.
An MaiLãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.