Ngành du lịch giữa COVID-19: Việt Nam đẩy nhanh tốc độ phục hồi bằng cách nào?
Tuy duy trì được nhờ du lịch trong nước, ngành du lịch Việt Nam vẫn cần làm mới mình cho đến khi giao thương quốc tế trở lại hoạt động bình thường.
Giờ đây hình ảnh du khách nằm dài tắm nắng trên bãi biển xa nhà cả vạn dặm hay cưỡi du thuyền lênh đênh trên đại dương dường như đã trôi vào dĩ vãng. Nhìn lại năm 2020, trên toàn thế giới, chi tiêu cho du lịch đã giảm từ 35% đến 48% so với năm 2019. Sau 10 tháng đóng cửa biên giới, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Du lịch đóng góp một phần không nhỏ vào GDP cả nước, và trong thời gian qua, du lịch trong nước đã trở thành chiếc phao cứu sinh cho toàn ngành. Phân tích của McKinsey và nhóm nghiên cứu cho thấy nhu cầu du lịch trong nước vẫn sẽ tiếp tục gia tăng, và sẽ phục hồi khá nhanh, du khách không thể ra nước ngoài sẽ chuyển hướng sang du lịch trong nước.
Trong bối cảnh ngành du lịch của Việt Nam tiếp tục phát triển, và triển vọng du lịch quốc tế ngày càng trở nên khả thi hơn sau khi các nước triển khai tiêm vắc xin, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và lữ hành sẽ cần phải thích nghi để tồn tại.
Nỗ lực tồn tại trong và sau đại dịch
Du lịch quốc tế, nguồn thu chính của ngành du lịch, đã bị sụt giảm mạnh trong năm vừa qua. Số lượng chuyến bay đã giảm đáng kể, công suất buồng phòng của khách sạn cũng chỉ đạt 30% so với trước đại dịch. Việc du khách nước ngoài không thể đến Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu ngành du lịch và nền kinh tế, bởi nhóm này chi "mạnh tay" hơn hẳn so với du khách trong nước. Năm 2019, ngành du lịch chiếm 12% GDP1 cả nước, lượng du khách quốc tế chỉ chiếm 17% nhưng lại chi hơn quá nửa: trung bình mỗi du khách nước ngoài chi 673 USD, trong khi du khách trong nước chỉ chi 61 USD.
Ngành du lịch đã tạo được 660 nghìn việc làm trong giai đoạn 2014-2019, và việc chi tiêu của du khách sụt giảm cũng kéo theo các ngành thực phẩm, đồ uống và bán lẻ lâm vào tình trạng "lao đao".
Trong khi viễn cảnh phục hồi trở về trạng thái trước COVID-19 có vẻ như còn rất xa vời, thì ngành du lịch có thể dựa vào các hoạt động trong nước để phục hồi trong ngắn hạn. Năm 2019, du khách người Việt Nam chi 15,5 tỷ USD, nhưng có đến 5,9 tỷ USD trong số đó “bay” ra nước ngoài. Giờ phần lớn du khách không thể bay đi đâu được nữa, nên họ đã thay thế bằng những chuyến du lịch trong nước. Vì thế các công ty lữ hành cần nhanh chóng nắm bắt để khai thác được giá trị từ cơ hội này.
Nhìn về tương lai
Dù đã tạo được những “luồng gió mát” nhờ du lịch trong nước, nhưng Việt Nam vẫn sẽ phải phụ thuộc vào các thị trường quốc tế với tổng mức chi tiêu lên đến 12 tỷ USD. Phần lớn du khách quốc tế đến Việt Nam từ các nước châu Á, trong đó khách Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan (Trung Quốc) chiếm khoảng 80% tổng chi tiêu của du khách quốc tế. Hợp tác kinh tế chặt chẽ với các nước này sẽ giúp Việt Nam phục hồi du lịch nhanh hơn so với các nước châu Âu và Bắc Mỹ.
Để tận dụng tối đa các mối quan hệ hợp tác này, Việt Nam đã và đang theo đuổi kế hoạch “không ca nhiễm” kể từ khi đại dịch bắt đầu hoành hành. Chiến lược này được áp dụng tại những nơi có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp, và do đó mức độ tin tưởng để đi lại sẽ cao hơn, ít nhất là ở trong nước.
Nhờ áp dụng chính sách “không ca nhiễm”, cùng với nền kinh tế trong nước hiện đang ổn định và các biện pháp chủ động, quyết liệt của Chính phủ, đến năm 2024 ngành du lịch Việt Nam sẽ có thể phục hồi về mức trước khủng hoảng. Theo kịch bản này, các công ty lữ hành Việt Nam đang chuẩn bị cho sự phục hồi trên cơ sở những niềm tin sau:
Trước hết là thay đổi thói quen du lịch có thể tạo ra các chuyến du lịch hạng sang ở trong nước. Cùng với việc biên giới vẫn đóng cửa và du khách không thể ra nước ngoài, ngành du lịch có thể phát sinh ngày càng nhiều những chuyến đi xa hoa trong nước do du khách chuyển hướng chi tiêu. Dĩ nhiên, như đã nói ở trên, sức mua của du khách trong nước vẫn thấp hơn du khách quốc tế, nên hình thức này sẽ không thể bù đắp hoàn toàn cho khoảng trống mà du khách nước ngoài để lại.
Thứ hai là giảm giá để kích cầu, nhưng đó không phải là biện pháp dài hạn. Nhiều công ty lữ hành đã tung ra chiến dịch giảm giá ngay sau khi cơn khủng hoảng qua đi, vừa để cạnh tranh và cũng để kích thích nhu cầu trong người dân. Nhưng biện pháp này có thể sẽ dẫn đến tình trạng “pha loãng” giá, đặc biệt là đối với hệ thống khách sạn trên cả nước. Do đó, đây không phải là chiến lược bền vững về lâu dài.
Tiếp theo, các doanh nghiệp cần cẩn trọng khi nghiên cứu phương án xây dựng hành lang du lịch (bong bóng du lịch). Hiện tại, Việt Nam vẫn đang áp dụng quy định nghiêm ngặt về hạn chế đi lại, chỉ cho phép một số lượng nhỏ các chuyến bay quốc tế đưa chuyên gia và cán bộ ngoại giao đến Việt Nam, và những đối tượng này phải tuân thủ quy định về cách ly bắt buộc khi nhập cảnh.
Việt Nam cần nỗ lực đưa số ca nhiễm COVID-19 về gần như bằng 0, và không nên mạo hiểm mở cửa biên giới cho phép đi lại tự do cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng, khả năng này sẽ chủ yếu dựa vào việc tiêm vắc xin trên diện rộng. Do vậy sẽ mất một thời gian để du khách nước ngoài quay trở lại với quy mô lớn.
Trong lúc đó, vẫn có cơ hội thực hiện một số biện pháp từng bước và ít rủi ro hơn. Đơn cử, đã có nhiều cuộc bàn thảo về việc xây dựng các “bong bóng du lịch”, cho phép người dân đi lại giữa các nước không có ca nhiễm hoặc số ca nhiễm gần như bằng 0 như Australia, Trung Quốc, Singapore. Các công ty lữ hành cần chuẩn bị cho hai kịch bản: bong bóng du lịch giúp mở cửa đón du khách nước ngoài đến Việt Nam, hoặc du lịch trong nước vẫn là nguồn động lực chính cho toàn ngành.
McKinsey đã đưa ra gợi ý 6 biện pháp để kích hoạt phục hồi ngành du lịch Việt Nam: Chú trọng du khách trong nước; Cân nhắc mô hình giá mới để phục hồi nhu cầu; Chuyển đổi số; Tạo dựng nền tảng cho nhu cầu của du khách nước ngoài đến Việt Nam; Bổ sung những trải nghiệm mới cho du khách, không chỉ dừng lại ở cơ sở lưu trú, và "phân bố lại" đầu tư cho du lịch hướng tới những điểm đến đa dạng, phi truyền thống; Xác định lại vai trò của nhà nước trong hoạt động du lịch.
Các công ty lữ hành của Việt Nam có thể tìm cách đẩy nhanh tốc độ phục hồi của ngành bằng cách tận dụng cơ hội tăng trưởng trong nước trong quá trình dần gây dựng lại niềm tin của du khách quốc tế. 6 biện pháp Mckinsey và nhóm nghiên cứu đưa ra sẽ giúp định hướng phù hợp cho các đối tượng tham gia vào ngành du lịch Việt Nam và giúp họ phát triển trong nền kinh tế du lịch của tương lai.
An MaiTheo Quyết định số 1046/QĐ-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán lẻ điện năm 2024 được điều chỉnh lên 2.103 đồng/kWh.