Ngày 15/3, Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch. Đây được xem như dấu mốc quan trọng với ngành công nghiệp không khói của Việt Nam sau 2 năm bị “đóng băng” vì dịch COVID-19. Dù còn nhiều thách thức, khó khăn phía trước nhưng với nhiều chính sách thuận lợi cho mở cửa du lịch cùng sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Chính phủ, chắc chắn ngành du lịch nước ta sẽ có điều kiện phát triển sau khi mở cửa trở lại, cùng “chạy tiếp sức” để nền kinh tế sớm về đích.
Ngành du lịch "rã đông" thuận lợi, sẵn sàng tiếp sức cho nền kinh tế - Ảnh 1.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2022, khách du lịch đến Hà Nội cơ bản là khách du lịch nội địa với khoảng 2,8 triệu lượt khách, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 7.800 tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến tháng 3/2022, trên địa bàn Hà Nội có 3.725 cơ sở lưu trú du lịch với 70.011 phòng; trong đó có 591 khách sạn đã được xếp hạng từ 1-5 sao với 24.415 phòng, chiếm 15,9% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn. Qúy I/2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1- 5 sao ước đạt khoảng 19,3%, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngành du lịch "rã đông" thuận lợi, sẵn sàng tiếp sức cho nền kinh tế - Ảnh 2.

Bày tỏ niềm vui khi ngành du lịch được mở cửa hoàn toàn mọi hoạt động, bà Dương Mai Lan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành và Sự kiện Thuận An-Ascend Travel and Media khẳng định, du lịch Hà Nội cũng như cả nước chắc chắn sẽ phục hồi trong thời gian tới, dù không thể ngay lập tức trở lại như trước nhưng đang có những dấu hiệu tốt.

Việc mở cửa du lịch từ ngày 15/3 thực tế là sớm hơn so với kế hoạch trước đó, đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhận được thêm những đoàn khách.

Ngành du lịch "rã đông" thuận lợi, sẵn sàng tiếp sức cho nền kinh tế - Ảnh 3.

Để đẩy mạnh thu hút khách trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội triển khai các hoạt động, sản phẩm, chương trình tuyên truyền, quảng bá về du lịch Hà Nội trước, trong và trong thời gian diễn ra SEA Games 31. Tổ chức các sự kiện lễ hội định kỳ hàng năm trên địa bàn Thành phố như: Lễ hội Du lịch - Văn hóa ẩm thực, Lễ hội Quà tặng Du lịch, Festival Áo dài Hà Nội; Chương trình hành trình hữu nghị; tổ chức tuyển chọn đại sứ du lịch Hà Nội và bài hát dành cho du lịch Hà Nội thu hút sự tham gia tích cực của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch đối với các sự kiện này.

Sở cũng tích cực tham gia, tổ chức các sự kiện trong dịp tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM Hanoi) 2022; tổ chức các hoạt động thu hút khách du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh đến các di tích danh thắng trên địa bàn thành phố.

Ngành du lịch "rã đông" thuận lợi, sẵn sàng tiếp sức cho nền kinh tế - Ảnh 4.

Tại buổi Đối thoại chuyên đề: “Mở cửa du lịch hậu COVID - Những vấn đề nóng cần giải quyết”, ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh nhận định: Suốt cả năm 2021, ngành du lịch của Quảng Ninh chỉ khai thác được khoảng 1,5 tháng với hơn 3 triệu khách, thấp hơn rất nhiều so với những năm trước. Thậm chí, năm 2020 cũng còn đón được hơn 9 triệu lượt khách du lịch.

Với việc Việt Nam chính thức mở cửa du lịch từ ngày 15/3, chúng tôi kỳ vọng năm 2022 sẽ là năm phục hồi mạnh mẽ.

Ngành du lịch "rã đông" thuận lợi, sẵn sàng tiếp sức cho nền kinh tế - Ảnh 5.

Tuy nhiên, bài toàn hiện nay phải giải khác xưa rất nhiều. Trước kia, chúng tôi giải bài toán về vấn đề quản lý thì bây giờ chuyển sang bài toán quản trị rủi ro. Tức, làm thế nào để đón khách an toàn nhất có thể, phải kiểm soát tránh nguy cơ khách du lịch lây bệnh sang chúng ta và ngược lại.

Để làm được điều này, Quảng Ninh đã xây dựng một bộ tiêu chí cho các cơ sở lưu trú, khu dịch vụ để đảm bản an toàn. Đơn vị nào không đảm bảo an toàn thì không được đón khách.

Đồng thời, chúng tôi hướng đến phát triển du lịch tại các khu vực thông thoáng, có điều kiện không gian tốt, khả năng lây nhiễm hạn chế. Điều này giúp doanh nghiệp vừa dễ dàng đón khách, vừa hạn chế nguy cơ tiềm ẩn cho cả hai bên.

Nhìn chung, đến thời điểm này, Quảng Ninh gần như sẵn sàng các điều kiện cần thiết cho mùa du lịch hè. Trong đó, chúng tôi kỳ vọng rất lớn vào lượng khách nội địa. Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị đón khách nước ngoài, dự kiến trung tuần tháng 4 sẽ đón đoàn khách Hàn Quốc và Ấn Độ.

Ngành du lịch "rã đông" thuận lợi, sẵn sàng tiếp sức cho nền kinh tế - Ảnh 6.

Thời điểm mở cửa du lịch ngày 15/3 là thời điểm phù hợp để Việt Nam chuẩn bị đón khách quốc tế, phục vụ khách du lịch một cách an toàn nhất. Bởi lẽ, Việt Nam đã chuẩn bị đủ mọi điều kiện như độ phủ vaccine, kinh tế ổn định, an ninh quốc phòng tốt…, đồng thời đây cũng là thời điểm trước mùa cao điểm du lịch hè.

Chính phủ cởi mở, nhưng khó lòng có thể đón ngay được lượng khách kỳ vọng như những năm 2019 trở về trước.

Ngành công nghiệp không khói phải phục hồi dần. Khách hàng cũng vậy, họ phải phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện ở nước sở tại, nếu các nước sở tại nới lỏng điều kiện thì họ mới có thể dễ dàng sang Việt Nam.

Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp du lịch phải luôn trong tâm thế sẵn sàng cho những điều tốt đẹp nhất trong tương lai. Có như vậy, mới đón trọn làn sóng hồi phục hậu COVID-19.

Nhiều đơn vị kinh doanh ngành du lịch mong muốn cơ quan chức năng nghiên cứu xem đâu là thị trường mục tiêu để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn. Với quốc gia có lượng khách đến Việt Nam ít thì có thể thực hiện sau. Tóm lại, nên có chiến lược mở cửa dần dần, đón khách tiềm năng trọng điểm trước".

Ngành du lịch "rã đông" thuận lợi, sẵn sàng tiếp sức cho nền kinh tế - Ảnh 8.

Chia sẻ với TTXVN, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) nhận định, ngành du lịch đang mở cửa và phục hồi rất thuận lợi nhưng còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ nếu muốn thu hút khách trở lại, để có thể phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ, trước hết cần chính sách miễn thị thực.

Thái Lan đang miễn thị thực du lịch cho công dân của 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, Indonesia - 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, Philippines - 157 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước này đều ưu tiên áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương 30 ngày để thu hút thêm khách du lịch quốc tế.

Trong khi đó, chúng ta vẫn giữ chính sách miễn thị thực "khiêm tốn" (trước khi dịch COVID-19 ập đến mới dừng lại ở con số 24), mà chủ yếu là miễn thị thực 15 ngày.

Vì vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh về du lịch, tạo điều kiện thuận lợi về thị thực cho các thị trường du lịch quốc tế, có nhiều khách du lịch hơn đến Việt Nam cũng như chi tiêu bình quân cao hơn trong tour du lịch ở nước ta, TAB đề nghị kéo dài thời hạn tạm trú của công dân các nước này tại Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày đồng thời mở rộng thêm các nước được miễn thị thực vào Việt Nam như Australia, New Zealand, Canada và Thụy Sỹ.

Thứ hai, hiện chúng tôi chưa thấy nghiên cứu quan trọng nào được thực hiện để hiểu thị trường, để xác định ai sẽ triển khai và vì sao lại phải triển khai các chiến dịch tiếp thị hiệu quả và có mục tiêu; ai sẽ chịu trách nhiệm xây dựng các chiến dịch này.

Vấn đề không phải là cứ mở cửa là khách sẽ tới. Khách tìm kiếm những trải nghiệm nào? Họ quan ngại điều gì và làm sao để tránh vấn đề đó? Lý do chính cho chuyến đi tới Việt Nam, chia theo từng phân khúc và thị trường là gì? Khách du lịch thuộc phân khúc thị trường mục tiêu của chúng ta sử dụng các phương tiện truyền thông nào và mua dịch vụ ở đâu? Phân khúc thị trường khách của chúng ta ưa thích điều gì khi đến Việt Nam và họ không thích điều gì? Khách muốn đi du lịch Việt Nam quan ngại những vấn đề gì?

Để đảm bảo tái mở cửa thành công, chúng ta cần phải hiểu rõ và giải quyết các vấn đề nêu trên.

Bởi vậy, đối với doanh nghiệp du lịch, TAB có bốn khuyến nghị:

Thứ nhất, du lịch vốn là ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ thì yếu tố nhân lực du lịch là quan trọng. Doanh nghiệp du lịch cần có kế hoạch giữ chân đội ngũ nhân lực nòng cốt, thực hiện đào tạo và đào tạo lại cho các nhân viên khi doanh nghiệp phục hồi kinh doanh du lịch.

Hai, đánh giá, điều chỉnh và xây dựng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách như du lịch ngắn ngày, theo gia đình và nhóm nhỏ, du lịch an toàn, khám phá thiên nhiên, du lịch trải nghiệm theo các nguyên tắc phát triển bền vững. Lưu ý xây dựng những sản phẩm du lịch ngách.

Ba, tăng cường các biện pháp kiểm soát chi phí, sáng tạo mô hình kinh doanh mới (như kinh doanh trực tuyến), liên kết kinh doanh với các đối tác mới, nhất là liên kết giữa ngành lữ hành, lưu trú và vận chuyển để tạo ra các gói sản phẩm có giá phù hợp và tương xứng với chất lượng đồng thời đưa ra chính sách đặt chỗ linh hoạt, điều chỉnh giá hay hoãn hủy dịch vụ do dịch bệnh.

Bốn, cần thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Trước mắt ưu tiên chuyển đổi số cho việc đặt bán dịch vụ (trực tuyến, trực tiếp), kênh cung cấp thông tin và tiếp nhận ý kiến của du khách.

Với sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện song hành hai chương trình lớn – Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và  Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 38/NQ-CP (ký ban hành ngày 17/3/2022), chắc chắn ngành du lịch nước ta sẽ có điều kiện phát triển sau khi mở cửa trở lại, đạt được mục tiêu của toàn ngành và mở ra triển vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, mà trước mắt là cùng “chạy tiếp sức” để nền kinh tế sớm về đích.

Ngành du lịch "rã đông" thuận lợi, sẵn sàng tiếp sức cho nền kinh tế - Ảnh 11.

Thực hiện: Hồng Nhung - Thiết kế: Hoài Thương