[NGÀNH DU LỊCH VƯỢT “BÃO” COVID-19] Thời điểm chuẩn bị cho một "chiến dịch" lớn
Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cần mở một chiến dịch "Tôi an toàn" cho những điểm du lịch an toàn của Việt Nam.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel. Theo ông Kỳ, chống dịch COVID-19 có hiệu quả nhưng vẫn phải phát triển thị trường, không để tình trạng suy giảm, bị động kéo dài. Đây cũng là lúc ngành du lịch có những điều chỉnh, tháo gỡ các nút thắt bấy lâu.
Các doanh nghiệp trong nước cần lập kế hoạch và chuẩn bị triển khai một chiến dịch nhằm phục hồi du lịch quốc tế.
Cam kết “Tôi an toàn”
Du lịch Việt Nam cần thị trường và chính sách đơn phương miễn visa cho một số quốc gia chính là cú hích để phát triển thị trường mới trong bối cảnh lúc này. Chúng ta có thể bổ sung một số quốc gia trọng điểm về du lịch như Úc, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ và Bỉ vào danh sách miễn thị thực. “Đây là thời điểm Việt Nam cần cải thiện hơn nữa về chính sách visa, đặc biệt là thị thực điện tử (e-visa), cả vấn đề phí visa, thời gian thủ tục xin visa của du khách”, ông Kỳ nói.
Thực tế, Việt Nam không chỉ mất thị trường Trung Quốc, mà những thị trường khác du khách cũng bị "sang chấn tâm lý". Có tình trạng này, theo ông Kỳ là bởi khách hiểu chưa đầy đủ về thông tin các điểm đến của du lịch Việt Nam, về những điểm đến an toàn hay chưa an toàn. Bình tĩnh nhìn lại hệ thống thị trường du lịch Việt Nam, chúng ta hoàn toàn dễ dàng khoanh vùng được những điểm đến an toàn, chưa có người bị nhiễm bệnh hay cách ly.
Các khu vực này bên cạnh triển khai những biện pháp chống dịch hoàn toàn có thể triển khai thêm nhiều hoạt động quảng bá, đón khách với sự cộng hưởng của nhiều địa phương, chẳng hạn một chiến dịch "I am safe" - "Tôi an toàn" như một cam kết có trách nhiệm, đảm bảo an toàn cho du khách. Những nỗ lực chống dịch mà Chính phủ, toàn dân Việt Nam đang làm hiện nay để khẳng định chúng ta là một điểm đến an toàn. Và Chính phủ cũng cần hành động nhanh chóng để hỗ trợ du lịch thoát khỏi suy thoái kịp thời.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá, COVID-19 là lời “cảnh báo” đối với cơ quan quản lý du lịch không nên phụ thuộc quá vào một thị trường. Để phục hồi du lịch sau dịch thì thị trường nội địa phải xác định có tầm quan trọng hàng đầu; tiếp đến là mở rộng một số thị trường mục tiêu khác, nhất là Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo khuyến cáo từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cần lập kế hoạch và chuẩn bị triển khai một chiến dịch nhằm phục hồi du lịch quốc tế. Những thị trường du lịch quốc tế không nằm trong vùng dịch vẫn đang diễn ra tương đối bình thường thì cần đẩy mạnh hoạt động tại các thị trường này. Ngay bây giờ, các doanh nghiệp phải xây dựng và chuẩn bị triển khai kế hoạch xúc tiến mạnh mẽ tại các thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam.
Mặt khác, cần sẵn sàng tham gia tích cực các sự kiện xúc tiến trong và ngoài nước để thu hút khách du lịch ngay khi dịch bệnh được khống chế, không chờ dịch hết mới triển khai. Trong thời gian dịch, các doanh nghiệp cũng nên tranh thủ đào tạo nguồn nhân lực để có đà cho phát triển sau này.
Ông Martin Koerner, Chủ tịch tiểu ban du lịch và nhà hàng – khách sạn của EuroCham cho rằng, chúng ta không thể biết trước khi nào dịch bệnh kết thúc. Câu trả lời tốt nhất là tất cả các bên liên quan, bao gồm Chính phủ và doanh nghiệp trong ngành du lịch, cần phối hợp để giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệch, khẳng định Việt Nam là một điểm đến du lịch an toàn và đảm bảo luôn hỗ trợ cởi mở cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi hy vọng rằng thay vì những chuyến bay giá rẻ đến Thái Lan, du khách sẽ lựa chọn ở lại Việt Nam và ủng hộ các doanh nghiệp trong nước. Về vấn đề này, Chính phủ có thể triển khai một chiến dịch tiếp thị “du lịch nội địa” cho đến khi khủng hoảng kết thúc”, ông Martin khuyến nghị.
Lấy tour giá rẻ làm “thuốc mồi”
Chuyên gia du lịch Lã Quốc Khánh đánh giá, việc kích cầu, xây dựng các tour trọn gói giá rẻ cho du khách sau dịch bệnh là bước đi cần thiết và hiệu quả. “Sau thời gian ảnh hưởng tâm lý và cả kinh tế do dịch bệnh kéo dài, các combo tour giá hợp lý tại tất cả các địa phương sẽ là “thuốc mồi” hiệu quả kéo du khách trở lại với các hoạt động vui chơi, du lịch, khôi phục thị trường nội địa trước, sau đó dần lấn tới thị trường outbound và inbound”, ông Khánh nhìn nhận.
Ông Đặng Minh Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group đề xuất, ở giai đoạn “sống chung với dịch”, du lịch Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng các sản phẩm du lịch mới để cung cấp cho du khách nhiều lựa chọn tham quan, vui chơi giải trí.
Trong đó, cần tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ cấp phép các dự án cải tạo, xây dựng những sản phẩm du lịch, công trình mới, đặc biệt là các dự án, sản phẩm, dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm nhằm thu hút du khách vui chơi, tiêu tiền.
Cân nhắc tổ chức các sự kiện xúc tiến quảng bá riêng cho du lịch tàu biển để thu hút khách nhằm mục đích tìm kiếm, củng cố và mở rộng các thị trường tàu biển tiềm năng… Những giải pháp này sẽ góp phần tăng cường doanh thu du lịch, bù đắp lại thiệt hại do Covid-19 gây ra trong năm 2020.
Ở giai đoạn phục hồi sau dịch, ông Trường cũng nêu một số giải pháp, như ngành du lịch tập trung vào mục tiêu dài hạn để đảm bảo sự phục hồi bền vững, đồng thời khẳng định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn bậc nhất trong khu vực.
Tổ chức các chuyến FAM Trip, Presstrip quốc tế quy mô lớn, mời các KOLs, nhà báo du lịch, các doanh nghiệp du lịch quốc tế đến Việt Nam, trải nghiệm các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, để từ đó lan tỏa hình ảnh đẹp của du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Triển khai mạnh mẽ các sự kiến lớn khắp cả nước như Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, Carnival quốc tế, Lễ hội Mùa đông… tại nhiều điểm đến nổi tiếng để thu hút sự quan tâm của du khách.
Theo Enternews
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.