Ngành đường sắt hợp nhất 2 đơn vị để tránh cạnh tranh nội bộ
Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chốt việc sáp nhập 2 Công ty Đường sắt Hà Nội - Sài Gòn. Việc sáp nhập sẽ giúp 2 đơn vị tiết giảm chi phí tối đa, tận dụng tài nguyên chung nhằm giảm tối đa lỗ trong sản xuất kinh doanh, cho phép khả năng duy trì hoạt động đến khi khôi phục lại trạng thái vận tải bình thường.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Văn bản số 303/TTg-ĐMDN đồng ý về chủ trương phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).
Theo đề án này, phương án tái cơ cấu sẽ có mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh hợp lý hơn theo hướng tập trung vào 3 ngành nghề cốt lõi là vận tải đường sắt, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và cơ khí đường sắt.
Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, sở dĩ đưa ra phương án hợp nhất 2 đơn vị lớn của VNR là Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn (Saratrans) bởi thời điểm cuối năm 2016, sản lượng, doanh thu và thị phần vận tải đường sắt có sự sụt giảm nghiêm trọng. Đặc biệt là sau cổ phần hóa tại các công ty cổ phần vận tải đường sắt.
Nguyên nhân chủ yếu là do mô hình tổ chức các công ty vận tải đường sắt sau khi tái cơ cấu, cổ phần hóa chưa phù hợp với thực tiễn của đường sắt Việt Nam.
Do đó, VNR nhận thấy cần phải xây dựng phương án thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại theo hướng hợp nhất 2 đơn vị này nhằm tăng cường tính chuyên môn hóa, tách bạch vận tải hàng hóa và vận tải hành khách, đồng thời, nhằm thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia, đầu tư vào vận tải hàng hóa, hành khách để khai thác nguồn lực xã hội về tài chính, công nghệ, thị trường và đặc biệt là quản trị.
Ưu điểm của phương án này xáo trộn ít về tổ chức và nhân lực. Điều này sẽ giúp tiết kiệm được chi phí phát sinh của quá trình cơ cấu lại các doanh nghiệp vận tải đường sắt, như phải thực hiện đánh giá lại các tài sản dự kiến chuyển nhượng và phải tổ chức đấu giá; đảm bảo tính tập trung thống nhất trong hoạt động vận tải, đồng thời giữ được vai trò điều tiết của Nhà nước trong vận tải đường sắt, đặc biệt là trong vận tải hành khách.
Bên cạnh đó, việc hợp nhất không chỉ hạn chế tối đa cạnh tranh nội bộ, mà còn hướng đến tập hợp nguồn lực các doanh nghiệp trong Tổng công ty. Khi đó, ngành đường sắt sẽ được nâng cao năng lực cạnh tranh với các phương thức vận tải khác; hạ giá thành vận tải; cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đa dạng hóa dịch vụ vận tải; khắc phục được sự đan xen, chồng chéo khi có nhiều tổ chức, nhiều nhân lực trên cùng một địa điểm cùng thực hiện một công việc.
Sau khi hợp nhất, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt (doanh nghiệp đã được hợp nhất) thực hiện việc phân chia, bóc tách về tổ chức, lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt; tiến tới xây dựng lộ trình thoái vốn tại công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa để thực hiện mục tiêu xã hội hóa vận tải hàng hóa đường sắt.
Ngoài ra, thị trường vận tải hàng hóa do công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đảm nhận và thị trường vận tải hành khách do Công ty cổ phần Vận tải đường sắt sau hợp nhất đảm nhận, nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, quốc phòng.
Liên quan đến các chính sách cho người lao động sau khi hợp nhất 2 đơn vị, ông Vũ Anh Minh cho biết, việc tái cơ cấu này là kế thừa lại toàn bộ, không phải cổ phần hóa, nên quyền lợi người lao động sẽ không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, việc sát nhập 2 đơn vị sẽ làm phát sinh lao động dôi dư cần giải quyết chế độ chính sách. Cụ thể, số lượng lao động được tinh giảm sẽ tập trung trước tiên vào khối gián tiếp do giảm đầu mối quản lý, giảm số lượng phòng, ban trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, góp phần tăng năng suất của khối lao động gián tiếp, chọn lọc được những lao động tốt nhất để làm việc.
HM (T/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.