Ngành game Việt Nam hướng tới mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD
Mục tiêu trong 5 năm tới, ngành game Việt Nam đạt cột mốc doanh thu 1 tỷ USD, đồng thời tăng mạnh về số doanh nghiệp game hoạt động, từ 30 doanh nghiệp đang hoạt động lên con số bằng với thời kỳ hoàng kim của ngành game là 100-150 doanh nghiệp.
Ngành công nghiệp game tại Việt Nam đang có sự tăng trưởng vượt bậc, trở thành một trong những lĩnh vực công nghệ thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo báo cáo từ Newzoo, Việt Nam nằm trong Top 5 về phát hành game trên thế giới. Ngành công nghiệp game Việt Nam có những bước tiến vượt bậc, với 54,6 triệu người chơi game, doanh thu năm 2023 là 507 triệu USD, trong đó mảng game liên quan đến eSports đạt được nhiều thành tích cao. Dự kiến năm 2026, doanh thu từ game và ứng dụng tại Việt Nam sẽ đạt 2,7 tỷ USD.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển không ngừng, điện thoại thông minh (smartphone) đã trở thành nền tảng quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành game tại Việt Nam. Theo số liệu của Newzoo, doanh thu từ thị trường game Việt Nam dự kiến sẽ đạt 655 triệu USD vào cuối năm 2024, với 54,6 triệu người chơi. Đặc biệt, các trò chơi trên nền tảng di động đang chiếm ưu thế, đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu ngành công nghiệp này.
Một số doanh nghiệp game Việt đã thành công trong việc tạo dựng tên tuổi trong khu vực và toàn cầu như VNG, Gamota, và Funtap. Những công ty này đã cho ra mắt các sản phẩm không chỉ phù hợp với người chơi trong nước mà còn hấp dẫn game thủ ở nhiều quốc gia khác.
Dù vậy, sự cạnh tranh trong nước cũng rất khốc liệt. Các nhà phát triển game Việt không chỉ đối mặt với áp lực từ những đối thủ quốc tế mà còn phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ chân người chơi. Việc đổi mới liên tục, cập nhật các tính năng mới, và xây dựng cộng đồng game thủ là những yếu tố quan trọng giúp các nhà phát triển duy trì vị thế trong thị trường đang ngày càng đông đúc.
Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu trong 5 năm tới, ngành game Việt Nam đạt cột mốc doanh thu 1 tỷ USD, đồng thời tăng mạnh về số doanh nghiệp game hoạt động, từ 30 doanh nghiệp đang hoạt động lên con số bằng với thời kỳ hoàng kim của ngành game là 100-150 doanh nghiệp, và kêu gọi khoảng 400 startup sản xuất game tham gia cộng đồng.
Để đạt được kết quả này, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Chiến lược Phát triển Ngành Game trình Chính phủ ban hành. Trong đó bao gồm thành lập liên minh game; thay đổi định kiến để xã hội thấy rằng ngành game đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; kêu gọi các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia cơ hội đầu tư hợp tác tại Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm việc chặt chẽ với các Bộ, ngành khác để có những hỗ trợ ưu tiên phát triển ngành game, như: bỏ các loại thuế không hợp lý; có các chính sách thí điểm (sandbox) đối với các thể loại game mới; trình Chính phủ Nghị định mới về quản lý game, trong đó kiến nghị bỏ các giấy phép, thủ tục hành chính rườm rà để các doanh nghiệp game thuận lợi hơn trong việc phát triển.
Đồng thời, Bộ quyết liệt tháo gỡ ba vấn đề lớn của ngành game Việt đó là: Cạnh tranh với game lậu xuyên biên giới; doanh nghiệp game (phát hành) không mua được game tốt từ nước ngoài vì họ bán xuyên biên giới; những nhà sản xuất game còn rất manh mún, không tập hợp đoàn kết.
Theo nhiều chuyên gia, cần xây dựng một nền tảng tốt song song với chính sách đúng; đẩy mạnh kết nối quốc tế để doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng.
Bên cạnh đó, cần thay đổi định kiến của xã hội để game là một ngành công nghiệp tạo ra những giá trị; phụ huynh có góc nhìn cho con theo học và làm về game như lập trình game, đồ họa game, thiết kế game… và từ đó để tạo nên những startup tên tuổi trong tương lai.
Ngày 26/12 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) đã tổ chức "Diễn đàn dịch vụ logistics hàng không cho phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam: Mở rộng thu hút du lịch khách quốc tế đến và quay trở lại Việt Nam".