Ngành giấy Việt cần tự chủ động nguồn vốn, nguyên liệu đầu vào

Kinh doanh
03:07 PM 20/04/2023

Hiện nay, các doanh nghiệp ngành giấy đều trăn trở, lo lắng cho kinh doanh, sản xuất khi phải phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, khó tiếp cận nguồn vốn vay...

Ngành giấy tiếp tục đối mặt khó khăn

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, Việt Nam chi gần 2,2 tỷ USD cho nhập khẩu giấy và nguyên liệu, trong khi xuất khẩu chỉ đạt 1,9 tỷ USD, nhập siêu khoảng 300 triệu USD.

Tại tọa đàm “Kết nối giá trị, hướng đến phát triển bền vững”, ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho hay, khoảng 90% sản lượng ngành giấy sản xuất trong nước là các sản phẩm giấy bao bì phổ thông phục vụ cho các ngành sản xuất công nghiệp. Việt Nam hiện là đất nước có sản lượng giấy bao bì phổ thông sản xuất nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Song từ tháng 9/2022 tới nay, các doanh nghiệp ngành giấy rất khó khăn do đơn hàng sụt giảm, chỉ hoạt động khoảng 50-60% công suất. Khó khăn này dự báo kéo dài đến hết năm 2023 khi tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều giảm sút. 

Ngành giấy Việt cần tự chủ động nguồn vốn, nguyên liệu đầu vào - Ảnh 1.

Ngành giấy còn đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2023. Ảnh: VnBusiness

Hơn nữa, ngành giấy Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn về cạnh tranh như phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu với khoảng 500.000 tấn bột giấy mỗi năm, xuất khẩu thô nên khó tăng cao về giá trị gia tăng… Vì thế, vị này đưa ra dự báo, kim ngạch xuất khẩu giấy năm 2023 có thể giảm so với kết quả 1 triệu tấn giấy đạt được trong năm 2022.

Hiện tại, đơn hàng giảm, các doanh nghiệp ngành giấy đang cố gắng duy trì 50 - 60% công suất, đủ chi trả lãi vay, chi phí sản xuất và lương công nhân. Ngành còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nguồn cung không ổn định, giá cao. Trong khi đó, giá bán của các sản phẩm không theo kịp, điều này khiến các doanh nghiệp giấy phải chịu lỗ.

Trong khi đó, tiếp cận vốn cũng không dễ dàng. Bên cạnh các thủ tục, điều kiện quá phức tạp, theo ông Đặng Văn Sơn, lãi vay ngân hàng hiện tại dù không còn ở đỉnh, nhưng mức giảm rất nhỏ giọt dù nhà nước đã có rất nhiều cuộc họp, văn bản nhằm hạ lãi suất cho vay nhưng đâu đó lãi suất vốn lưu động cho doanh nghiệp vay vẫn ở mức cao, chưa tạo được động lực cho doanh nghiệp.

Ngoài các thủ tục, điều kiện khác, vay trung hạn buộc doanh nghiệp phải mua bảo hiểm, trong khi lãi suất thực tế nhìn thấp nhưng mua thêm bảo hiểm lại là cao.

Mặt khác, ngành Giấy hiện đang gặp những khó khăn từ nội tại như: chưa đảm bảo được nguồn nguyên liệu cho phát triển bền vững; chưa có doanh nghiệp sản xuất bột giấy thương phẩm quy mô lớn nên đang phải nhập khẩu hơn 500 ngàn tấn bột giấy mỗi năm… cần có giải pháp tháo gỡ trong dài hạn.

Đề xuất quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất tập trung

Để giải quyết bài toán trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam Đặng Văn Sơn đề nghị, ngành giấy cần được quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, đồng thời, các DN cần được tạo điều kiện vay vốn, sản xuất quy mô lớn hướng đến xuất khẩu, tăng thặng dư thương mại cho ngành.

Ngành giấy Việt cần tự chủ động nguồn vốn, nguyên liệu đầu vào - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp ngành giấy cần được tạo điều kiện vay vốn, sản xuất quy mô lớn hướng đến xuất khẩu. Ảnh: Tạp chí Công Thương

Ngành giấy là ngành công nghiệp tái tạo, phù hợp tự nhiên với kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần có các chính sách phù hợp giúp ngành phát triển bền vững. Phối hợp với các ngành nghề, các tổ chức xã hội có liên quan nhằm phát triển hệ thống thu gom chuyên nghiệp, hiệu quả, tăng cao tỷ lệ thu gom. Hợp tác giữa các doanh nghiệp để ổn định nguồn giấy thu hồi nhập khẩu cả về số lượng và chất lượng.

Mặt khác, khuyến khích đầu tư vào các sản phẩm giấy Việt Nam đang phải nhập khẩu và công nghiệp phụ trợ ngành giấy.

Cùng với những giải pháp nêu trên, đại diện VPPA khuyến nghị các doanh nghiệp cần tiếp cận thị trường ngách bằng cách làm việc với Thương vụ Việt Nam tại các nước như châu Mỹ, Trung Đông và thông qua các hiệp hội hàng tiêu dùng, hiệp hội bán buôn bán lẻ ở các nước sở tại để kết nối cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng có thể tham gia các hội chợ triển lãm để tiếp cận khách hàng hiệu quả.

Cùng với xúc tiến thương mại, theo các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn nội tại như khuyến khích đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, bởi hiện vẫn chưa có doanh nghiệp sản xuất bột giấy thương phẩm quy mô lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mong muốn được tạo điều kiện về lãi suất vay vốn, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực… để phát triển ngành giấy theo tiêu chuẩn và công nghệ quốc tế.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Bước nhảy vọt của hàng Việt: Vươn tầm thế giới, chinh phục mọi thị trường Bước nhảy vọt của hàng Việt: Vươn tầm thế giới, chinh phục mọi thị trường

Trong không khí náo nhiệt của Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024 sẽ diễn ra từ ngày 25/11 đến 1/12, hàng triệu người tiêu dùng cả nước sắp chứng kiến một không gian độc đáo hoành tráng - nơi hội tụ tinh hoa hàng Việt, trưng bày các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, lan tỏa niềm tự hào dân tộc và khẳng định cam kết của Bộ Công Thương trong việc đưa hàng Việt chinh phục mọi thị trường.