Ngành gỗ 4 tháng đầu năm tăng trưởng khả quan

Kinh doanh
10:06 AM 06/05/2022

Nếu giữ được bình quân kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,5 tỷ USD/tháng, thì kế hoạch đặt ra của ngành gỗ là khoảng 17,5 tỷ USD cuối năm nay sẽ hoàn toàn khả thi.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2022 ước tính đạt 1,5 tỷ USD, tăng 7,3% so với tháng 4/2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 4/2022 ước đạt 1,13 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng 4/2021. Trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,14 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngành gỗ 4 tháng đầu năm tăng trưởng khả quan - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, 4 tháng đầu năm 2022, đã có 5 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong đó có gỗ và sản phẩm gỗ.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, hiện, xu hướng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang tập trung vào mặt hàng có giá trị gia tăng cao như ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ... đây đều là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.

Trong tình hình hiện tại, mặc dù doanh nghiệp ngành gỗ còn đối mặt với nhiều khó khăn, như tình hình dịch COVID-19 kéo dài gây thiếu hụt lao động, xung đột giữa Nga và Ukraina đã đẩy giá xăng dầu lên cao, tác động đến phí logistics "phi mã" dẫn đến chi phí sản xuất tăng. Đặc biệt, giá nguyên liệu gỗ tiếp tục tăng, nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải sản xuất do đơn đặt hàng đã được đặt trước đó. Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng, doanh nghiệp ngành gỗ đã vượt khó, đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng khả quan trong những tháng đầu năm 2022, một số doanh nghiệp FDI vẫn tăng trưởng khá tốt.

Các chương trình về chuyển đổi số đang được ngành gỗ thực hiện tại 2 đầu của chuỗi giá trị gồm chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc gỗ và showroom triển lãm trực tuyến đang đóng góp cho sự tăng trưởng.

Với kết quả tích cực đạt được trong những tháng đầu năm 2022, dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 sẽ tăng từ 5% đến 8% so với cùng kỳ năm 2021.

Để đạt kế hoạch xuất khẩu năm 17,5 tỷ USD, trong bối cảnh tình hình giá cước vận tải tăng và nguy cơ lạm phát, ngành gỗ đang tìm nhiều giải pháp để khắc phục, nâng cao tính cạnh tranh.

"Ngành gỗ tìm mọi giải pháp giảm chi phí, chia sẻ với các nhà nhập khẩu để đảm bảo cho năng lực cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, đồng thời đưa ra loạt giải pháp về chống gian lận thương mại, tái cấu trúc đi thẳng vào những sản phẩm có lực hút cao của thế giới như phòng khách, phòng bếp, phòng tắm và nhiều sản phẩm trung gian khác để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam", ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết tại Hội nghị trực tuyến "Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ, xuất khẩu".

Ngành gỗ 4 tháng đầu năm tăng trưởng khả quan - Ảnh 2.

Ngành gỗ có thể đạt dự báo xuất khẩu 17,5 tỷ USD trong năm 2022. Ảnh: Báo Chính phủ

Đầu năm nay, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng 30 - 52%, cùng với thời gian vận chuyển kéo dài nên doanh nghiệp đang gặp khó về bài toán nguyên liệu. Vì vậy, giải pháp cấp thiết là phải tăng trồng rừng gỗ lớn để thay thế khoảng 5 - 6 triệu m3 gỗ nhập khẩu mỗi năm.

Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh việc phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng trong nước, thì việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, thực hiện hiệu quả các FTAs là việc mà các doanh nghiệp phải đẩy mạnh thực hiện.

Ngoài ra, Logistics luôn chiếm tỷ lệ 20-30% chi phí của ngành gỗ. Vì vậy, sự bảo đảm  ổn định trong khâu lưu thông luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp… Ðích đến trong thời gian tới, các hoạt động logistics phải tăng cường nâng cao năng lực hơn nữa để đồng hành cùng với các đơn vị xuất nhập khẩu, tạo “cú huých” cho hoạt động xuất nhập khẩu bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam…

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn