Ngành gỗ đối mặt nhiều rủi ro trong tương lai
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ sang Trung Quốc có dấu hiệu sụt giảm, dẫn đến nguy cơ ngành gỗ sẽ không còn xuất siêu vào thị trường này trong vài năm tới…
Những rủi ro đang hình thành
Nhóm nghiên cứu của Vifores và Forest Trends cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc từ 1,2 tỷ USD năm 2019, đã giảm nhẹ vào năm 2020, và tiếp tục giảm trong năm 2021.
Cơ cấu các mặt hàng gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây. Các mặt hàng như sản phẩm gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ giảm mạnh trong khi dăm gỗ và ván bóc tăng mạnh. Trong đó, mặt hàng ván bóc có lượng xuất khẩu tăng đột biến. Ván bóc được làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các loại gỗ dán.
Theo các chuyên gia, nếu động lực xuất - nhập khẩu giữa 2 quốc gia duy trì như hiện nay, cán cân thương mại sẽ đạt tới vị trí cân bằng trong tương lai không xa.
Theo một báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ván bóc/ván lạng, gỗ dán và sản phẩm gỗ là các nhóm mặt hàng chủ đạo Việt Nam nhập khẩu trong thời gian gần đây. Các loại ván bóc/ván lạng nhập khẩu này chủ yếu được làm từ các loài gỗ như Bạch dương, gỗ Okoume, và Bintangor.
Các mặt hàng ván bóc/ván lạng này ẩn chứa các rủi ro về mặt pháp lý về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, nguồn gỗ Bạch dương của Nga tiềm ẩn rủi ro về gỗ lậu và điều này cũng đã được cảnh báo trước đó. Hay gỗ có nguồn gốc từ châu Phi (trừ Nam Phi) được xác định là gỗ rủi ro về pháp lý. Luồng cung các mặt hàng ván bóc/ván lạng có nguồn gốc rủi ro này cản trở nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp ảnh hưởng tới hình ảnh của ngành gỗ Việt.
Đáng chú ý, các sản phẩm gỗ là nhóm mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong thời gian vừa qua. Tăng trưởng nhanh trong nhập khẩu mặt hàng này, đặc biệt trong bối cảnh từ lúc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung bắt đầu hình thành làm dấy lên các lo ngại về việc các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng Việt Nam làm quốc gia trung chuyển cho các mặt hàng của mình để xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh các thuế từ Mỹ đối với các mặt hàng từ Trung Quốc.
Nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội gỗ và Tổ chức Forest Trends cũng đã đưa ra cảnh báo về loại hình rủi ro trong gian lận thương mại đối với nhóm mặt hàng này, đặc biệt đối với mặt hàng tủ bếp được làm từ gỗ dán và bộ phận của ghế sofa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nhập khẩu gỗ dán từ Trung Quốc cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Lý do Việt Nam tiếp tục nhập khẩu gỗ dán từ Trung Quốc là do năng lực sản xuất mặt hàng này tại Việt Nam còn hạn chế, cả về khối lượng và chất lượng sản phẩm đầu ra.
Tương tự như nhóm mặt hàng sản phẩm gỗ, gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc ẩn chứa rủi ro về gian lận thương mại. Chính phủ Mỹ hiện tại đang điều tra mặt hàng gỗ dán và tủ bếp của một số doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang hoạt động tại Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Do đó, việc giảm rủi ro về gian lận thương mại trong các mặt hàng gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc có vai trò quan trọng nhằm duy trì và phát triển ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Cần có biện pháp hạn chế các rủi ro trong luồng gỗ nhập khẩu
Tại buổi Tọa đàm “Thương mại gỗ Việt Nam - Trung Quốc: Cơ hội, thách thức và phát triển ngành gỗ Việt bền vững trong tương lai”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Vifores, cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực phối hợp với các hiệp hội gỗ và các bên liên quan trong việc xác định rủi ro và đưa ra các chế tài xử phạt đối với các công ty vi phạm. Các biện pháp và chế tài này cần được ưu tiên và tăng cường nhằm hạn chế các rủi ro trong luồng gỗ nhập khẩu.
Ông Lập cũng cho rằng, để giảm rủi ro về gian lận thương mại trong các mặt hàng gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc, đòi hỏi sự quan tâm sát sao từ các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật, đặc biệt là các cơ quan kiểm soát cửa khẩu. Liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan này với các hiệp hội gỗ và các bên liên quan khác cho phép định vị được các rủi ro trong các mặt hàng nhập khẩu một cách kịp thời, từ đó đưa các các biện pháp chế tài xử lý phù hợp.
Bên cạnh những nguy cơ và thách thức có thể đến từ gian lận thương mại trong các mặt hàng nhập khẩu của ngành gỗ, thời gian vừa qua cũng ghi nhận sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành trong việc trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn nhất vào Mỹ, và công nghệ là một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực ngành gỗ Việt Nam đạt được kết quả trên.
Điều này gián tiếp tạo ra các đơn hàng cho Việt Nam. Bởi doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam vẫn giữ được liên lạc với các bạn hàng thông qua giải pháp công nghệ, các phòng trưng bày ảo trực tuyến và hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có.
Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, bên cạnh sức mua vẫn đang ổn định, với sự tăng trưởng về nhu cầu của một số thị trường lớn nên trong suốt đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 vừa qua, khoảng 50% các nhà máy gỗ vẫn duy trì được sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” để có thể thích ứng nhanh với tình hình mới.
VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.