Ngành gỗ ưu tiên yếu tố xanh cho xuất khẩu bền vững

Kinh doanh
11:12 AM 17/01/2025

Năm 2025 ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 18 tỷ USD. Yếu tố xanh là yêu cầu tất yếu đối với ngành gỗ để đạt được mục tiêu đề ra và xuất khẩu bền vững.

Theo Cục Lâm nghiệp, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025 được dự báo tích cực, tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2025 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.

Ngành gỗ ưu tiên yếu tố xanh cho xuất khẩu bền vững- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Công Thương

Thực tế bên cạnh những yếu tố thuận lợi, ngành gỗ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như yêu cầu kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp từ các thị trường xuất khẩu chính, nguy cơ gian lận thương mại, áp lực cạnh tranh và biến động kinh tế toàn cầu... 

Bên cạnh đó, việc trồng rừng gỗ lớn, đủ chất lượng để phục vụ cho ngành sản xuất nội thất trong nước vẫn còn thiếu, trong đó, thiếu cả về số lượng cũng như sự liên kết giữa vùng trồng, vùng nguyên liệu đến các cơ sở sản xuất, đến những giải pháp để đảm bảo sinh kế cho người dân thực hiện trồng rừng gỗ lớn.

Trong khi đó, ngày càng nhiều hiệp định, công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết đề cập tới kiểm soát bền vững, chống xuất nhập khẩu gỗ bất hợp pháp. Sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam phải tuân thủ nhiều điều kiện, tiêu chuẩn quốc tế về phát triển rừng bền vững...

Các chuyên gia cũng nhận định, trong bối cảnh các ngành đang đẩy mạnh sản xuất xanh, thương mại xanh, việc gia tăng các biện pháp kỹ thuật với xuất khẩu ngành gỗ là yêu cầu tất yếu, song cũng đặt ra các thách thức đối với DN xuất khẩu, đòi hỏi các DN phải có giải pháp ứng phó tốt với vấn đề này.

Như vậy, yếu tố xanh sẽ là một trong những tác động lớn đến xu hướng xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong dài hạn, khi mà nhiều quy định của các thị trường đang được triển khai, thực thi như quy định chống phá rừng (EUDR) hay Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu. Do đó, bên cạnh việc xây dựng các khu chế biến công nghệ cao, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính, phát triển bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, ngành gỗ cần quan tâm hơn và đầu tư vào vùng nguyên liệu.

Được biết, để giải quyết thách thức về chứng minh nguồn gốc gỗ xuất khẩu, Bộ NNPTNT đã giao Cục Lâm nghiệp cùng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu kinh nghiệm cấp mã vùng trồng, số hóa quy trình cấp mã số cho vùng trồng rừng, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý toàn bộ tài nguyên rừng của Việt Nam.

Theo kế hoạch, trong năm nay, Bộ sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời về cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu với mục tiêu rút kinh nghiệm, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trước khi nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Từ năm 2026 trở đi, quá trình cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn