Ngành gỗ và nội thất đặt mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD năm 2025

Xuất nhập khẩu
08:38 AM 03/02/2025

Mở đầu năm 2025 với nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường, ngành gỗ và nội thất có nhiều cơ sở để tăng tốc, bứt phá hướng tới mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD, tiếp tục khẳng định năng lực tự cường trên chuỗi cung ứng.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2024 đạt 16,25 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2023. Dù không thể chạm được mục tiêu 17,5 tỷ USD nhưng con số này cũng phá kỷ lục hồi 2022 (15,8 tỷ USD). Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 21,9% so với năm 2023.

Nhiều mặt hàng nội thất chủ lực tăng trưởng hai chữ số, như đồ dùng phòng ngủ (28,8%), nhà bếp (19,6%), phòng khách và phòng ăn (19,4%). Các mặt hàng như ghế khung gỗ, ván sàn, dăm gỗ... cũng hút khách.

Để đạt được mức tăng trưởng này, theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (Bifa) cộng đồng doanh nghiệp gỗ Việt đã phải nỗ lực rất nhiều. Kỷ lục được xác lập nhờ doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thêm thị trường, tích cực tham dự các triển lãm, hội chợ để tận dụng tín hiệu phục hồi từ bạn hàng lớn Mỹ và châu Âu.

Ngành gỗ và nội thất đặt mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD năm 2025- Ảnh 1.

Năm 2025, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 18 tỷ USD. Ảnh: Internet

Mở đầu năm 2025 với nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường, ngành gỗ và nội thất có nhiều cơ sở để tăng tốc, bứt phá hướng tới mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD, tiếp tục khẳng định năng lực tự cường trên chuỗi cung ứng.

Khởi đầu năm 2025 thuận lợi với đơn hàng dồi dào cộng với những tín hiệu tích cực trong dịch chuyển chuỗi cung ứng được xem là thời điểm vàng để ngành gỗ và nội thất Việt Nam vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế hơn nữa trên thị trường gỗ và nội thất thế giới.

Nhờ ứng dụng chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, nhiều doanh nghiệp đầu ngành có khả năng sản xuất và giao hàng trong thời gian ngắn, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Chưa kể một số doanh nghiệp đã làm tốt hình thức bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng cá nhân (B2C) thông qua các nền tảng thương mại điện tử.

Ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa) cho rằng ngành có nhiều cơ hội. Ở trong nước, chính quyền đang dồn sức phát triển kinh tế trong "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Ngành gỗ nội thất có nguồn lao động trẻ, sáng tạo, nguyên liệu bản địa dồi dào.

Về phía cầu, công ty nghiên cứu The Business Research Company (Anh) dự báo thị trường nội thất toàn cầu tiếp tục tăng trưởng 7,1% năm nay, đạt 822 tỷ USD. Thị trường Mỹ, nơi chiếm hơn một nửa kim ngạch của Việt Nam, doanh số đồ nội thất và gia dụng đã tăng 4 tháng liên tiếp, tính đến tháng 12/2024.

Riêng tháng trước, doanh số ngành hàng này đạt gần 11,9 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ 2023, mức cao nhất trong số các ngành bán lẻ, theo Bộ Thương mại Mỹ. "Thời kỳ chính quyền Trump 2.0 mở ra, nổi bật với chính sách thuế cao nhắm vào hàng Trung Quốc, Canada, Mexico... sẽ có những tác động đặc biệt đến Việt Nam nói chung và ngành nội thất nói riêng", ông Mẫn lưu ý.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, nhấn mạnh gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những nhóm hàng chủ lực, đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản. Thời gian qua, dù nhiều thách thức, ngành gỗ và nội thất vẫn vươn lên mạnh mẽ, tạo nên kỷ lục mới, khẳng định vai trò trong chuỗi cung ứng đồ gỗ, nội thất khu vực và thế giới. Để có được kết quả đó, ngoài sự vào cuộc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của các bộ, ngành, cơ quan liên quan phải ghi nhận những nỗ lực, chủ động của các hiệp hội, doanh nghiệp trong việc sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn