Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng mạnh đến hàng loạt chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam đã tận dụng tốt những cơ hội để bứt phá, vượt ngoài mong đợi.
Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đơn hàng cho các tháng còn lại của năm 2021 tiếp tục tăng, phần lớn doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận được các đơn hàng cho tới cuối năm 2021. Ước tính đơn hàng xuất khẩu gỗ tăng 30% so với năm 2020.
Trong bối cảnh hiện tại, Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm sẽ đạt khoảng 15-16 tỷ USD. Con số này đã vượt cao hơn mục tiêu mà toàn ngành lâm sản đặt ra từ đầu năm là khoảng 14,5 tỷ USD.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị truờng nông sản (Bộ NN&PTNT), tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2021, trị giá xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ tăng rất mạnh, đạt 3,12 tỉ USD, tăng 95,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc với giá trị xuất khẩu chỉ riêng 4 tháng đầu năm đạt 526,69 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước; Nhật Bản đạt 472,56 triệu USD, tăng 8%; Hàn Quốc đạt 293,25 triệu USD, tăng 9,7%.
Bộ Công Thương đánh giá, thời gian tới có khá nhiều điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Cụ thể, nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại thị trường Hoa Kỳ tiếp tục tăng cao và có xu hướng tiêu dùng thay đổi để thích ứng với tình hình mới.
Thông tin từ các nhà nhập khẩu cho thấy, do dịch bệnh COVID-19, người dân nhiều nước phải ở nhà làm việc qua mạng, nên họ có nhu cầu cao về việc trang bị bàn, ghế, gường tủ mới… trong nhà nhằm tạo không gian đẹp hơn. Những yếu tố đó tác động khiến cho nhu cầu đồ gỗ tăng cao ở nhiều thị trường.
Bên cạnh đó, thị trường nhà ở Hoa Kỳ đang có xu hướng phát triển mạnh khi Chính phủ cho vay lãi suất thấp cũng là yếu tố thuận lợi. Ngoài ra, lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giúp ngành gỗ Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh về giá so với các sản phẩm cùng loại với các đối thủ cạnh tranh tại thị trường EU.
Hiện tại xuất khẩu gỗ sang thị trường Canada cũng đang tiếp tục tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Duơng (CPTPP), nhất là đối với nhóm mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ.
Đặc biệt hơn khi sản phẩm gỗ của Việt Nam đã tạo dựng được chỗ đứng khá vững chắc tại nhiều thị trường trên thế giới, được đánh giá cao về năng lực sản xuất, mẫu mã, công nghệ. Trải qua cú sốc đứt gãy chuỗi cung ứng do COVID-19, các nhà phân phối hàng đầu thế giới có xu hướng đa dạng hóa và tìm kiếm nguồn cung an toàn hơn và Việt Nam cần tận dụng tốt cơ hội này để thúc đẩy xuất khẩu.
Tuy nhiên, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam không chỉ có thuận lợi, mà vẫn có những vấn đề đang “níu” bước chân ngành gỗ.
Đại diện Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, tăng trưởng nhanh kim ngạch xuất khẩu đi liền với nguy cơ bị điều tra và áp đặt thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và cả chống lẩn tránh.
Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã khởi xướng điều tra 301, cáo buộc Việt Nam nhập khẩu và sử dụng gỗ bất hợp pháp. Phía Việt Nam đã tham dự điều trần và đã cung cấp nhiều bằng chứng Việt Nam nỗ lực loại bỏ toàn bộ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung.
Các doanh nghiệp gỗ Việt tuyệt đối tuân thủ Đạo luật Lacey Act của Mỹ khi xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường nước này. Cho đến nay, USTR chưa có thông báo gì về diễn tiến của điều tra 301 ngành gỗ.
Ngoài ra, tháng 6/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã khởi xướng điều tra sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vì cho rằng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc gian lận xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh thuế. Các doanh nghiệp đã giải trình theo yêu cầu của phía Hoa Kỳ.
Ngay trong tháng 3/2021 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã yêu cầu trên 60 doanh nghiệp gỗ dán của Việt Nam giải trình nhiều câu hỏi liên quan đến xuất khẩu gỗ dán vào thị trường nước này. Các doanh nghiệp sản xuất tủ bếp, tủ buồng tắm và nhiều loại đồ gỗ nội, ngoại thất của Việt Nam cũng có thể sẽ phải đối diện với nguy cơ tương tự tại thị trường Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container rỗng đã khiến cho nhiều công ty chế biến gỗ chưa thể giao cho khách hàng nước ngoài. Với lượng hàng chưa thể xuất khẩu lớn, nhiều công ty phải tính tới phương án thuê kho để hàng để giải phóng mặt bằng tiếp tục sản xuất.
Giá cước vận tại biển đã lên quá cao khiến cho các nhà nhập khẩu khách hàng phải mất nhiều thời gian đắn đo, cân nhắc chọn lựa hãng tàu nào có giá cước mềm hơn một chút, rồi mới đề nghị nhà xuất khẩu gỗ Việt Nam đặt hãng tàu đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cước cao như hiện nay, hãng tàu nào có giá cước rẻ hơn một chút thì sẽ nhiều doanh nghiệp tranh nhau đặt container, nên việc đặt tàu cũng rất khó.
Đồng thời, nhiều loại gỗ và nguyên vật liệu phục vụ chế biến gỗ, từ hàng trong nước tới hàng nhập khẩu, đã tăng giá, với mức tăng từ 10-30%, cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chế biến gỗ.
Một góc độ khó khăn khác đựơc Bộ Công Thương đề cập tới là ngành gỗ đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực, đặc biệt là công nhân kỹ thuật trong khi hệ thống các trường đào tạo nghề, trường đại học tuyển sinh viên rất khó khăn.
Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành gỗ tạo việc làm cho trên 500.000 lao động nhưng gần 80% nhân lực trong ngành gỗ là lao động phổ thông, lao động qua đào tạo chỉ chiếm 20%, khoảng 1-2% còn lại là nhà thiết kế. Điều này dẫn tới năng suất lao động của ngành gỗ thấp, chỉ bằng 40% so với Trung Quốc và 20% so với EU.
Với đà tăng trưởng mạnh mẽ, ngành gỗ của Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng sẽ đạt những giá trị cao mới trong thời gian tới. Để hướng tới các mục tiêu lớn, đòi hỏi ngành gỗ cần sự nỗ lực rất nhiều, đồng thời chính là từ sự bám sát thực tế và cần có những giải pháp mang tính đột phá.
Trao đổi với báo chí, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để đạt được mục tiêu đặt ra cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản, chúng ta phải giải quyết tốt vấn đề về nguồn nguyên liệu.
Theo đó, vấn đề nhập khẩu nguồn gốc gỗ phải được tuân thủ nghiêm ngặt và phải kiểm soát rất chặt chẽ để bảo đảm nguồn gốc gỗ về chúng ta phải là hợp pháp. Cùng với đó, nâng cao chứng chỉ rừng bền vững trong nước.
Về phía doanh nghiệp phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trên diện rộng hơn. Thiết lập các chương trình thị trường số, chỉ có như vậy chúng ta mới kết nối được với thế giới và kết nối ngay với các doanh nghiệp ở trong nước. Tiếp tục ứng dụng công nghệ số trong việc quản trị, theo dõi cả chuỗi chu trình sản xuất cũng như ứng dụng các thành quả mới về công nghệ tự động trong điều hành và sản xuất trực tiếp.
Ngoài cơ chế chung, Nhà nước cần có cơ chế rất cụ thể. Hiện, năng lực đầu tư của các doanh nghiệp ngành gỗ về tài chính, nguồn nhân lực có thể mở rộng rất nhanh, nhưng họ cần quỹ đất tạo thành các khu công nghiệp, gắn với logistics.
Logistics hiện nay chúng ta cũng đang rất vướng mắc. Cùng với đó là các vấn đề về giao thông, điện gắn với cảng biển. Phải có những ưu đãi về tiền thuê đất. Các doanh nghiệp không thể thuê đất để làm ngành chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản với giá ngang với ngành công nghệ kỹ thuật cao. Phải có cơ chế ưu đãi từng bước.
Thực hiện: Huyền My