Ngành hàng không sắp cất cánh trở lại: VnDirect dự báo tăng trưởng 137%
Công ty chứng khoán VnDirect vừa công bố báo cao phân tích về CTCP DV hàng không Taseco. Trong đó có những đánh giá lạc quan về ngành hàng không Việt Nam.
Hoạt động hàng không nội địa phục hồi mạnh mẽ kể từ quý 2
Với việc cải thiện tiêm chủng, hoạt động hàng không nội địa của Việt Nam đã dần khôi phục trong Qúy 4 năm 2021 và hoạt động bình thường trở lại kể từ năm 2022. Nhu cầu về hoạt động hàng không nội địa đã tăng mạnh từ nửa cuối tháng 1 (22/1), giúp tần suất các chuyến bay nội địa trong tháng 1/2022 đạt mức 70% trước đại dịch, trước khi đạt mức 92% trước đại dịch vào cuối tháng 2/2022. Kết thúc Qúy 1, thị trường nội địa đã phục hồi về mức 87% trước đại dịch (Qúy 1/2019).
Hiện tại, hành khách nội địa không bắt buộc phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trừ khi hành khách đến từ các tỉnh có dịch cấp độ 4. Điều này sẽ giúp người dân đi lại bằng đường hàng không dễ dàng hơn, cùng với các chương trình kích cầu du lịch mà các tỉnh thành đang triển khai, VnDirect cho rằng hàng không nội địa Việt Nam có thể quay trở lại và vượt mức trước đại dịch vào năm 2022.
Công ty chứng khoán này kỳ vọng thị trường nội địa sẽ tăng 137,0% so với cùng kỳ trong năm 2022 khi đất nước đang bước vào giai đoạn "bình thường mới" với nhu cầu đi lại phục hồi. Thị trường nội địa có thể tiếp tục tăng mạnh 15,8% so với cùng kỳ trong năm 2023 trước khi tăng trưởng chậm lại xuống còn 7,9%/8,3% so với cùng kỳ trong năm 2024-2025. Theo ước tính của VnDirect, thị trường nội địa Việt Nam có thể vượt mức trước đại dịch trong năm 2022 (103% so với năm 2019) và có thể đạt tới 139,5% mức trước đại dịch trong năm 2025.
Sự phục hồi của hàng không quốc tế Việt Nam gập ghềnh hơn
Du lịch quốc tế là chìa khóa cho sự phục hồi của hàng không quốc tế Việt Nam trong giai đoạn tới. Theo Google Destination Insights, từ đầu năm 2022, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không và du lịch Việt Nam vẫn ở mức rất cao. Tổng lượt tìm kiếm từ 01/01/2022 đến 04/02/2022 đã tăng 72,8% so với cùng kỳ.
Ngày 15/02/2022, Việt Nam đã dỡ bỏ các hạn chế về tần suất các chuyến bay quốc tế. Đến ngày 15/03/2022, Việt Nam đã khôi phục hoàn toàn đường hàng không quốc tế. Trong đó số lượng đường bay thường lệ gần như đã trở lại mức trước đại dịch (90%), khôi phục chính sách thị thực trước đại dịch và khách du lịch quốc tế chỉ cần xác nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 và có bảo hiểm y tế. So với giai đoạn trước đại dịch, vẫn còn 8 quốc gia chưa mở lại đường bay thường lệ với Việt Nam, bao gồm Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Macao, Phần Lan, Ý và Thụy Sĩ. Trong Qúy 1/2022, sản lượng khách quốc tế đã tăng 176,2% so với cùng kỳ lên 321.000 khách và đạt mức 4,7% trước đại dịch (Qúy 1/2019).
Sự phục hồi của du lịch quốc tế Việt Nam phụ thuộc vào yêu cầu nhập cảnh của quốc gia đến. Hiện nay, một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (SEA) như Thái Lan, Singapore, Malaysia.... đã giảm thiểu các yêu cầu nhập cảnh và bắt đầu triển khai du lịch song phương với Việt Nam. Tại khu vực Đông Á, Hàn Quốc cũng sẽ giảm thiểu các yêu cầu nhập cảnh từ 1/4/2022 trong khi Nhật Bản đang yêu cầu cách ly 3 ngày và Trung Quốc yêu cầu cách ly 14 ngày.
VnDirect đưa ra 3 kịch bản cho hồi phục hàng không giữa Việt Nam và các nước. Theo đó với kịch bản cơ sở, hàng không giữa Việt Nam và Đông Nam Á sẽ phục hồi mạnh mẽ từ Qúy 2/2022 khi hoạt động xúc tiến du lịch đã được triển khai, sau đó là Hàn Quốc, Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ trong Qúy 3/2022, quảng bá du lịch Đài Loan và Nga có thể được thực hiện trong Qúy 4/2022 trong khi quảng bá du lịch tới Trung Quốc có thể được thực hiện trong Qúy 1/2023.
VnDirect kỳ vọng sản lượng khách quốc tế Việt Nam sẽ đạt 12,2 triệu khách trong năm 2022 (so với 0,5 triệu khách trong năm 2021), và có thể tăng 222,5%/11,7% svck trong năm 2023-2024. Theo ước tính của chúng tôi, lưu lượng khách quốc tế của Việt Nam có thể phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch trong năm 2024 (105,0% so vớ năm 2019) và có thể đạt tới 119,2% so với năm 2019 trong năm 2025.
Các chuyên gia nhận định, năm 2025 sẽ đánh dấu giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt, định hình lại thị trường bán lẻ.