Ngành hàng không triển khai nhiều giải pháp cho cao điểm vận tải cuối năm
Để chuẩn bị cao điểm vận tải cuối năm, nhiều giải pháp đang được ngành hàng không tích cực triển khai. Qua đó nâng cao hiệu quả khai thác, tăng cường năng lực phục vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu di chuyển của hành khách và hỗ trợ điều tiết giá vé máy bay.
Để chuẩn bị cho giai đoạn cuối năm 2024 và sẵn sàng cho dịp cao điểm tết Nguyên đán 2025, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các hãng hàng không Việt Nam sắp xếp, cân đối nguồn lực vận tải, phối hợp với các đơn vị phục vụ mặt đất để bảo đảm nguồn cung tải phù hợp.
Các hãng hàng không được yêu cầu triển khai mở bán sớm các vé máy bay phục vụ giai đoạn Tết để hành khách có thể lựa chọn, xây dựng kế hoạch di chuyển phù hợp, cũng như đẩy nhanh quá trình nhận tàu bay thuê/mua mới và đưa vào khai thác trở lại các tàu bay đã hoàn thành sửa chữa, bảo dưỡng động cơ từ nhà sản xuất…
Về phía các hãng hàng không, hiện các hãng dự kiến tiếp tục nhận thêm và có kế hoạch thuê các tàu bay bổ sung đội tàu bay hiện có. Trong đó, Vietnam Airlines dự kiến nhận thêm 3 tàu bay (2 tàu Airbus A320 và 1 tàu Boeing B787-10).
Hai hãng hàng không Bamboo Airways và Vietravel Airlines cũng đang có kế hoạch tăng số tàu bay khai thác để phù hợp với năng lực và nhu cầu phát triển thị trường.
Trong khi đó, Vietjet Air dự kiến nhận 8 tàu bay Airbus A321 và 2 tàu Embraer E190 phục vụ khai thác chặng Hà Nội - Côn Đảo.
Đáng chú ý, thông tin Vietjet Air có kế hoạch thực hiện đường bay đến Côn Đảo nhận được nhiều sự quan tâm. Trước đó, Bamboo Airways đã dừng bay các chặng Hà Nội/TP.HCM - Côn Đảo từ tháng 4 sau khi trả 3 tàu bay phản lực Embraer E190.
Hiện, chỉ có Vietnam Airlines và Vasco khai thác đường bay từ TP.HCM/Cần Thơ đến Côn Đảo bằng tàu bay ATR 72.
Thời gian qua, để góp phần giảm áp lực về giá vé máy bay nội địa do yếu tố cung - cầu thị trường, từ đầu năm 2024 đến nay, Cục Hàng không Việt Nam đã thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm, ổn định lực lượng vận tải hàng không để cung ứng phù hợp, cân đối tải trên các đường bay và thị trường nội địa/quốc tế, đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách.
Trong đó, trọng tâm là các giải pháp như tạo điều kiện để các hãng có thể thuê bổ sung đội tàu bay; điều chỉnh thời gian hoạt động khai thác tàu bay, giảm thời gian quay đầu tàu bay để chuyển tiếp chặng bay, tối ưu hóa thời gian khai thác tàu bay trong ngày; tăng cường thêm các chuyến bay vào khung giờ chiều tối và đêm; tăng tham số điều phối tại các cảng hàng không trọng điểm trong các giai đoạn cao điểm và phù hợp với tình hình dự báo thị trường, chỉ đạo các đơn vị/doanh nghiệp trong ngành hàng không rà soát quy trình, phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không bảo đảm hoạt động khai thác, phục vụ hành khách…
Huyền My (t/h)Việt Nam đã xây dựng được những doanh nghiệp (DN) dẫn đầu, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Song vẫn cần xây dựng chính sách đột phá để hỗ trợ DN "bay cao" và tạo dựng được nhiều doanh nghiệp dẫn đầu hơn nữa.