Ngành ICT Việt Nam đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng gấp 2-2,5 lần GDP cả nước năm 2025
Năm 2020 đánh dấu mốc lần đầu tiên Việt Nam công bố chính thức về định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chiến lược Make in Vietnam, khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tham gia phát triển kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia.
Trong giai đoạn 2016-2020, ngành công nghiệp Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng trung bình 26,1%/năm, trở thành một trong những ngành kinh tế có doanh thu lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp phần cứng, điện tử - viễn thông, đứng thứ 2 về sản xuất điện thoại và linh kiện, thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện, vượt qua nhiều cường quốc như Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ, Brazil, Singapore. Đồng thời, đây cũng là 2 mặt hàng chiếm vị trí số 1 và số 3 trong danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Theo đó, ngành công nghiệp ICT Việt Nam trở thành ngành xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế. Năm 2019, xuất siêu trong lĩnh vực phần cứng, điện tử ước đạt 28 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về dịch vụ công nghệ số.
Mặc dù vậy, hiện nay, hơn 90% doanh nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại sản phẩm công nghệ thông tin. Nhìn chung, chưa nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đủ tích lũy vốn và có chiến lược, tiềm lực để tham gia vào các chuỗi sản xuất, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin tiên tiến.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc yêu cầu, bắt buộc các doanh nghiệp dịch vụ, nền tảng xuyên biên giới tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, xây dựng ngành công nghiệp ICT Việt Nam có tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm gấp từ 2-2,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước, đứng đầu trong các ngành có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Bên cạnh đó, đến năm 2025, Việt Nam có khả năng chủ động trong việc sản xuất được các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin, điện tử, các thiết bị viễn thông quan trọng phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước. Sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước chiếm 50-70% thị trường mua sắm của các cơ quan nhà nước.
Cuối cùng, tối thiểu 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin trên 1 tỷ USD. Trên 70.000 doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin, trong đó tối thiểu 10 doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ.
Hà TrầnCông cuộc số hóa chợ hay tiệm tạp hóa truyền thống không chỉ đơn thuần gói gọn trong việc quét mã QR để thanh toán. Đây là một "cuộc chơi lớn" với 1,4 triệu tạp hoá đang chờ “lên đời công nghệ".