Ngành khách sạn vượt "bão" đại dịch nhờ làm khu cách ly có thu phí
Dù dịch bệnh đang hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó ngành du lịch chịu tổn thất nặng nề, từ đó tác động đáng kể đến phân khúc khách sạn. Song tình hình hoạt động của khách sạn từ quý II/2021 đã có cải thiện đáng kể khi nhiều khách sạn đăng ký làm cơ sở cách ly có thu phí.
Theo báo cáo mới đây của Savills Việt Nam, trước làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát vào quý II/2021, các biện pháp giãn cách khiến cho nhu cầu lưu trú khách sạn (KS) sụt giảm, nhiều khách sạn buộc phải tạm ngưng hoạt động.
Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, nguồn cung giảm 11% theo quý, hiện chỉ còn 13.400 phòng với 103 KS hoạt động. Tuy nhiên, nguồn cung theo năm tăng 7% với 28 dự án hoạt động trở lại, một nửa trong đó được sử dụng làm cơ sở cách ly tập trung có tính phí.
Nhu cầu cách ly tập trung đến từ nguồn khách nhập cảnh, quan chức nhà nước và khách trong nước tiếp tục tăng. Trong quý II, có 8 khách sạn cách ly mới đi vào hoạt động, nâng tổng số khách sạn làm cách ly lên 25 dự án, cung cấp hơn 3.000 phòng.
Đa phần lượng phòng đã được cho thuê đến từ nhu cầu cách ly nhập cảnh và cách ly phòng dịch. Ngoài ra các dự án vẫn ghi nhận một lượng nhu cầu hạn hữu hơn đến từ các chuyên gia, khách đi công tác cần thiết phải lưu trú dài hạn.
Nhờ vậy, công suất thuê phòng quý II đạt 18%, tăng nhẹ 1% so với quý I, cao hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái với tổng số phòng được thuê tăng 53% theo năm. Công suất tăng xuất phát từ nhu cầu lưu trú dài hạn và tỉ lệ lấp đầy của khách sạn cách ly có thu phí đạt trên 60%.
Nhu cầu phát sinh trong đợt dịch lần thứ tư khiến giá phòng bình quân tại thủ đô đạt 77 USD mỗi phòng một đêm, tăng 1% so với quý trước.
Nhận định về ngành du lịch nói chung và khách sạn nói riêng, Savills cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch thứ 4, cũng là đợt bùng phát nghiêm trọng nhất với so ca nhiễm tăng nhanh và vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Do đó, mọi dự báo về ngành du lịch trong năm 2021 vẫn còn phải bỏ ngỏ khi các biện pháp hạn chế đi lại ngày càng thắt chặt.
Về triển vọng trong thời gian tới khi dịch được kiểm soát, theo Savills, ngành KS vẫn đầy hứa hẹn với sự tham gia của các thương hiệu vận hành quốc tế nổi tiếng. Ngoài ra, nhu cầu dịch chuyển và lưu trú của khách du lịch nội địa rất lớn, có thể quan sát rất rõ ở các giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát.
Dữ liệu thị trường của Savills cho biết, đến cuối năm 2023, TP.HCM sẽ có thêm 2.500 phòng khách sạn, 70% đến từ các thương hiệu lớn.
Còn tại Hà Nội, trong năm nay, 3 dự án 3-5 sao sẽ cung cấp khoảng 500 phòng cho thị trường. Đến năm 2030, Hà Nội có khoảng 2.600 phòng dự kiến được đưa vào thị trường từ 14 dự án.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch toàn cầu có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2024, trong đó miễn dịch cộng đồng là yếu tố then chốt. Việt Nam nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được tiêm chủng vào cuối năm 2021.
An Mai (t/h)Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.