Ngành mía đường cần nhiều giải pháp đồng bộ ngoài thuế tự vệ tạm thời
Theo các chuyên gia, mặc dù biện pháp áp thuế tự vệ tạm thời với mía đường nhập khẩu đã phát huy hiệu quả nhưng vẫn cần có những giải pháp đồng bộ và dài hơi hơn cho ngành mía đường trong nước.
- LSS tăng gấp đôi từ đầu năm, Mía đường Lam Sơn mang 3 triệu cổ phiếu quỹ ra bán
- Thuế chống bán phá giá với mía đường Thái Lan tương đối hợp lý
- Hưởng lợi giá nguyên liệu: Nhanh chóng bật tăng mạnh từ vùng đáy, nhóm mía đường LSS, SBT, QNS… liệu còn "sóng" trước thông tin chính thức về thuế phòng vệ thương mại?
Thuế tự vệ tạm thời mà Bộ Công thương áp lên sản phẩm đường mía nhập khẩu Thái Lan (bao gồm đường tinh luyện và đường thô) ở mức 33,88% từ giữa tháng 2/2021 bước đầu đã phát huy tác dụng với thị trường đường trong nước. Giá giá bán đường sản xuất trong nước đã tăng trung bình 1.500 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2020; giá thu mua mía nguyên liệu cũng tăng từ 50.000 đến 100.000 đồng/tấn so với vụ ép năm ngoái.
Tuy nhiên, theo Hội Mía đường Việt Nam, Thuế tự vệ với đường Thái Lan nhập khẩu hiện mới là biện pháp tạm thời, để các doanh nghiệp mía đường phục hồi, được cạnh tranh công bằng và phát triển mạnh hơn cần có những giải pháp đồng bộ ngoài Thuế tự vệ tạm thời.
Trước hết, ngành cần những giải pháp tổng thể cả về quy hoạch, áp dụng cơ giới hóa sản xuất và dự báo thị trường. Hơn hết cần sự đồng lòng xây chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân và với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý cũng như các địa phương.
Hội Mía đường Việt Nam khuyến nghị Bộ Công thương cần sớm áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức để tăng được giá thu mua mía, người nông dân có thu nhập tốt và tiếp tục đầu tư phát triển cây mía, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy đường hoạt động.
Đặc biệt, Nhà nước cần sớm xây dựng ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi, bảo hộ, vay vốn, thuế và các điều kiện thiết yếu cho nhà máy đường và người trồng mía… nhất là lộ trình bảo hộ phù hợp với thực tiễn ngành đường và người trồng mía hiện nay.
Liên quan đến vấn đề cạnh tranh công bằng, lành mạnh cho các doanh nghiệp mía đường, theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và các hộ nông dân trồng mía cần xây dựng được mối liên kết chặt chẽ, xây dựng được vùng nguyên liệu mía chất lượng, bền vững. Ngoài ra, để góp phần giúp doanh nghiệp trong nước duy trì và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nông dân ngành mía cần tiếp tục cải tiến quy trình canh tác đạt năng suất cao.
Theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, ngoài các chính sách, giải pháp từ cơ quan chức năng hỗ trợ ngành mía đường, mỗi doanh nghiệp cần nghiên cứu để làm ra sản phẩm đa dạng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và tiến tới xuất khẩu.
Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các cơ quan chức năng và sự nỗ lực của các doanh nghiệp mía đường, người nông dân trồng mía, hy vọng ngành mía đường Việt Nam sớm vượt qua giai đoạn khó khăn do hội nhập ATIGA, trở thành một ngành sản xuất lớn, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu cùng đất nước.
Hoàng Mai (Tổng hợp)VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.