Ngành nông nghiệp Hà Nội ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá cao. Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, tốc độ tăng trưởng (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản của TP ước tăng 2,24% so với cùng kỳ năm 2022.
Thực hiện chính sách hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hỗ trợ lãi suất đầu tư mua sắm máy móc, hỗ trợ kinh phí cấy lúa bằng máy, phun thuốc bảo vệ thực vật… Các chính sách này bước đầu đã phát huy hiệu quả. 100% diện tích trồng lúa đã được làm đất bằng máy, 90% sản lượng lúa được thu hoạch bằng máy.
Chính nhờ những đổi mới đó, theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, tốc độ tăng trưởng (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản của TP ước tăng 2,24% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị sản xuất nông, lâm sản và thủy sản ước đạt 21.917 tỷ đồng, tăng 2,23% so cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, hầu hết các nhóm lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội đều có tăng trưởng dương trong những tháng đã qua của năm 2023. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 20.254 tỷ đồng, tăng 2,17%; thủy sản đạt 1.622 tỷ đồng, tăng 3,21% (so với cùng kỳ 2022). Tổng đàn trâu, bò, lợn, gia cầm và sản lượng trứng cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2022.
Trong bối cảnh chịu nhiều tác động của dịch bệnh cũng như những biến động từ thị trường, ngành nông nghiệp Hà Nội đã chủ động làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc - gia cầm; có kế hoạch bảo đảm nguồn cấp nước đầy đủ phục vụ gieo trồng. Đồng thời, chú trọng việc đưa các giống tiến bộ, có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất...
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, mặc dù cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng không lớn, nhưng những đóng góp của khu vực nông nghiệp và nông thôn rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 2,5-3% giai đoạn 2020-2025, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đôn đốc, hướng dẫn các địa phương và người nông dân thực hiện tốt công tác chăm sóc, phòng trừ dịch hại bảo vệ cây trồng. Xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất vụ Mùa, vụ Đông trên cơ sở điều chỉnh phù hợp về cơ cấu cây trồng, diện tích gieo trồng, cơ cấu giống.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ tiếp tục ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp. Các chính sách tập trung hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý và phát triển thị trường; khuyến khích sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; hỗ trợ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; hỗ trợ mua sắm máy móc; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Đặc biệt, thành phố còn hỗ trợ nông dân mua thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất lúa, phun thuốc bảo vệ thực vật. Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến hơn 1.120 tỷ đồng/năm.
Thương HuyềnTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.