Ngành nông nghiệp hữu cơ cần thúc đẩy sản xuất và mở rộng thị trường
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong thời gian tới, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) sẽ phát triển nhanh. Vì vậy, vừa qua tại TPHCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức hội thảo “Thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ”. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì, với sự tham dự của hơn 400 đại biểu.
Theo đó, các nội dung chính của đề án "Phát triển NNHC giai đoạn 2020 - 2030" đã được phổ biến nhằm giúp các đơn vị quản lý tại địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nắm được quan điểm phát triển, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nhà nước về phát triển NNHC, qua đó triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Đề án phù hợp với chức năng của đơn vị và điều kiện thực tế của địa phương.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế phát triển và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người và cho xã hội.
Tính đến nay, diện tích canh tác hữu cơ tăng từ 53.350 ha năm 2016 lên khoảng 237.693 ha năm 2019, có 46/63 tỉnh thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ. Nông dân tham gia sản xuất hữu cơ là 17.168 người, có 97 doanh nghiệp sản xuất hữu cơ, tham gia xuất khẩu là 60 doanh nghiệp với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm.
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore...là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn trên thế giới (theo điều tra công bố năm 2020 của Tổ chức Nông nghiệp quốc tế IFOAM).
Từ đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, việc quản lý sản xuất hữu cơ rất quan trọng để đảm bảo các sản phẩm được gắn mác hữu cơ đều thực sự là sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ. Chính vì vậy, cần phải đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kiểm tra giám sát các tổ chức chứng nhận và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, từ cấp bộ đến các địa phương. Bên cạnh đó là đào tạo tập huấn cho doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sản xuất hữu cơ, tăng cường công tác đào tạo chuyên gia chuyên sâu về nông nghiệp hữu cơ.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, canh tác hữu cơ chỉ là một trong những phương thức canh tác để tăng năng suất. Dù hữu cơ mang lại nhiều lợi ích đến đâu cũng không thể thay thế các phương án thâm canh để bảo đảm an ninh lương thực. Vì vậy, cần thận trọng trong phát triển NNHC ở các địa phương. Các địa phương cần xác định rõ vùng nào có thể sản xuất hữu cơ, vùng nào vẫn duy trì phương thức sản xuất phi hữu cơ. Về sản phẩm, cần phải xác định những sản phẩm nào sẽ là sản phẩm hữu cơ, sản phẩm nào đi theo hướng theo hữu cơ, sản phẩm nào vẫn duy trình canh tác truyền thống.
Hạ DuyênKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.