Ngành Nông nghiệp Kiên Giang một năm vượt khó giữa đại dịch COVID-19

Địa phương
05:10 PM 10/01/2022

Năm 2021, Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gặp nhiều khó khăn, trở ngại do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả vật tư tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp… Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Kiên Giang đã ổn định tình hình phát triển sản xuất và duy trì tăng trưởng, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch.

Trong bối cảnh chung, tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 diễn biến phức tạp, giá cả vật tư đầu vào phục vụ trồng trọt và chăn nuôi tăng cao so với năm 2020 làm ảnh hưởng lớn đến các khâu từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản nói riêng và các lĩnh vực kinh tế khác của tỉnh nói chung; bệnh dịch tả heo Châu Phi trên cả nước có dấu hiệu bùng phát trở lại nên nguy cơ tái phát trên địa bàn Kiên Giang là rất cao, bên cạnh đó dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành đã làm cho các cơ sở chăn nuôi có những lo lắng, nhất là trong việc tái đàn; và tình hình thời tiết diễn biến phức tạp trong năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư, phát triển kinh tế nông, ngư nghiệp… 

Tuy nhiên, với sự quyết tâm của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và cả hệ thống chính trị tỉnh Kiên Giang đã góp phần ổn định tình hình phát triển sản xuất và duy trì tăng trưởng; hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch, một số chỉ tiêu tăng so cùng kỳ.

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2021.

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2021.

Theo đó, tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản (GRDP) năm 2021 ước đạt 42.712 tỷ đồng, chiếm 41,92% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Riêng lĩnh vực trồng trọt đạt 14.736 tỷ đồng; sản xuất thủy sản đạt 11.044 tỷ đồng. Chương trình OCOP đã đánh giá 89/70 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 107/120 sản phẩm trên địa bàn 15 huyện, thành phố được đánh giá đạt 3 sao trở lên. Sản lượng lúa đạt 4.508.906 tấn, lúa chất lượng cao chiếm 93,85%; sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 845.330 tấn, tăng 2,17% so với năm 2020; tôm nuôi đạt 104.694 tấn, tăng 13,19%. Phong trào xây dựng NTM, có 11/9 xã đạt chuẩn NTM (vượt 2 xã). Có 3 huyện đạt đạt tiêu chí xây dựng NTM, 1 thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 63,17%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 12%.

Theo số liệu thống kê, tổng giá trị tăng thêm (VA) tỉnh Kiên Giang năm 2021 của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 25.986,46 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), đạt 110,47% kế hoạch năm, tăng 0,93% so với năm 2020. Trong đó, giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp đạt 14.736,60 tỷ đồng; ngành thủy sản ước đạt 11.044,05 tỷ đồng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 41,15% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, trong đó nuôi trồng thủy sản chiếm 18,31% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng của tỉnh năm 2021. 

Huyện Giang Thành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2021.

Huyện Giang Thành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2021.

Về giải ngân vốn đầu tư đạt 91,4% kế hoạch. Có 19 dự án, công trình được thực hiện; 10 dự án, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng; 9 dự án, công trình còn lại sẽ triển khai tiếp trong năm 2022…

Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ trong năm qua, nhưng ngành cũng còn những hạn chế như: 

Việc cụ thể hóa một số đề án, dự án, chương trình... còn chậm so với yêu cầu, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp còn chưa đồng đều; tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã chưa phổ biến và tỷ lệ giá trị liên kết còn thấp. 

Mô hình liên kết cánh đồng lớn, liên kết sản xuất có tăng so cùng kỳ nhưng còn thiếu bền vững (chiếm 7,56% diện tích lúa thu hoạch), chưa có được đầu ra ổn định cho các sản phẩm hàng hóa nông thủy sản - sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, hữu cơ… từ đó cũng làm hạn chế việc mở rộng quy mô sản xuất. 

Trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.

Trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.

Công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, gia súc, gia cầm chưa triệt để, dịch bệnh vẫn còn xảy ra như dịch tả Heo Châu Phi, bệnh Viêm da nổi cục trên Trâu bò. Việc triển khai thực hiện công tác phòng chống khai thác IUU thiếu đồng bộ nên tình trạng tàu cá của ngư dân Kiên Giang còn vi phạm vùng biển nước ngoài…

Trong năm 2022, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang quyết tâm tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhằm tổ chức sản xuất linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế từng tiểu vùng sinh thái, tạo hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, trên cơ sở tiếp tục rà soát nội dung Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đáp ứng nhu cầu thị trường và lợi thế của địa phương, từng bước thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. 

Đồng thời, ngành cũng đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn, bền vững, theo hướng hữu cơ và đạt tiêu chuẩn hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và tăng cao lợi nhuận; góp phần phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh…

Văn Dương - Quốc Giang
Ý kiến của bạn