Ngành Nông nghiệp và Môi trường đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giá trị gia tăng toàn ngành nông, lâm, thủy sản trong quý I/2025 đạt mức tăng 3,74%, cao nhất trong nhiều năm qua và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao trong kịch bản tăng trưởng quý. Cụ thể, nông nghiệp tăng 3,53%, lâm nghiệp tăng mạnh 6,67%, và thủy sản tăng 3,98%.
Tốc độ tăng trưởng ổn định của ba trụ cột nông, lâm, thủy sản là tiền đề vững chắc để hướng tới mục tiêu tăng trưởng của quý II, 6 tháng và cả năm 2025.
Cùng với tăng trưởng sản xuất, hoạt động xuất khẩu tiếp tục bứt phá. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 21,15 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, nông sản đạt 11,6 tỷ USD (tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái), lâm sản 5,56 tỷ USD (tăng 11,2%), thủy sản 3,09 tỷ USD (tăng 13,7%), sản phẩm chăn nuôi 178 triệu USD (tăng 16,8%) và đầu vào sản xuất 722 triệu USD (tăng 20%).

Ngành Nông nghiệp và Môi trường tăng trưởng mạnh, xuất khẩu vượt 21 tỷ USD trong 4 tháng
Ngành tiếp tục duy trì xuất siêu 5,18 tỷ USD, dù giảm nhẹ 4,1% so với cùng kỳ nhưng vẫn cao hơn mức xuất siêu chung của nền kinh tế (5,02 tỷ USD).
Trong lĩnh vực đầu tư công, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phân bổ 20.786 tỷ đồng cho các dự án. Tính đến ngày 5/5/2025, tỉ lệ giải ngân đạt 16,3%, cao hơn mức bình quân 15,56% của cả nước, cho thấy quyết tâm và sự chỉ đạo sát sao trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này.
Cùng với đó, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Các đơn vị chức năng của Bộ đã tiếp nhận và giải quyết 346.437 hồ sơ, với tỉ lệ hoàn thành 97,6%. Đặc biệt, có tới 99,8% hồ sơ được xử lý đúng hạn, cho thấy hệ thống hành chính công đang hoạt động ngày càng hiệu quả, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, nếu duy trì được đà tăng trưởng này và sớm tháo gỡ các vướng mắc về thuế quan với Hoa Kỳ, mục tiêu xuất khẩu 65 tỷ USD và tăng trưởng ngành khoảng 4% trong năm nay hoàn toàn khả thi.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, Bộ trưởng nhận định rằng không thể chủ quan, bởi tình hình thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ cạnh tranh thương mại, xung đột lợi ích, và biến động thị trường.
Bộ trưởng đề nghị các đơn vị cần nghiêm túc đánh giá những kết quả đã đạt được, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, khó khăn để đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ trong tháng 5, quý II và 6 tháng đầu năm.
“Chúng ta không còn nhiều thời gian. Nếu không có quyết tâm và giải pháp mạnh mẽ, sát thực tiễn, sẽ rất khó để hoàn thành chỉ tiêu cả năm, cả nhiệm kỳ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, ngành xác định một loạt nhiệm vụ trọng tâm nhằm củng cố đà tăng trưởng và thích ứng linh hoạt với tình hình mới. Trong bối cảnh Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ sẽ theo dõi sát tình hình, chủ động đề xuất giải pháp ứng phó và chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung phục vụ cho Đoàn đàm phán Chính phủ...
Huyền My (t/h)
Dù 3 tháng đầu năm chưa nhiều tích cực, các doanh nghiệp xi măng vẫn lạc quan đặt kế hoạch tăng trưởng trong năm 2025 nhờ niềm tin vào đầu tư công đang được đẩy mạnh, cùng với trợ lực từ các yếu tố vĩ mô, pháp lý.