Ngành nông nghiệp xuất khẩu 55 tỷ USD: Những tín hiệu lạc quan
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, chỉ tiêu xuất khẩu 54 - 55 tỷ USD có thể hoàn thành nếu 2 ngành chủ lực là lâm nghiệp và thủy sản lấy lại được đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023.
7 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tiếp tục đạt trên 29 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu trong tháng 7 đã tăng trưởng trở lại, sau nhiều tháng sụt giảm.
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 7 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 1/8, những nội dung trọng tâm Bộ đưa ra trong những tháng cuối năm đó là: Tăng diện tích lúa vụ đông xuân để tận dụng cơ hội tăng xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm, tăng cường kiểm tra giám sát, đảm bảo chất lượng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc sau một số cảnh bảo từ phía cơ quan chức năng của bạn, thúc đẩy việc xuất khẩu vaccine dịch tả lợn châu Phi sang Philippines và Indonesia…
Về mục tiêu xuất khẩu 54-55 tỷ USD, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng chỉ tiêu này có thể hoàn thành nếu hai ngành chủ lực là lâm nghiệp và thủy sản lấy lại được đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu. Trong điều kiện hiện nay, hai ngành cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu, ký kết đơn hàng, nhằm tận dụng triệt để thời cơ khi thị trường các nước khởi sắc.
Thực tế, bức tranh xuất khẩu của ngành nông nghiệp lộ dần những gam màu sáng.
Với ngành Thủy sản, mặc dù tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên, ngành này cũng có nhiều tín hiệu phục hồi. Các doanh nghiệp sản xuất cá tra, tôm bắt đầu cho công nhân tăng ca sản xuất để trả đơn hàng.
Tại buổi họp báo, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng ngành thủy sản cần tập trung giải quyết vấn đề lớn nhất là nguyên liệu. Mục tiêu là làm sao đảm bảo sản xuất nguyên liệu thủy sản để có đủ cho chế biến xuất khẩu khi thị trường bước vào giai đoạn phục hồi. Về thị trường, các doanh nghiệp cần giữ liên lạc chặt chẽ với các nhà nhập khẩu nhằm giữ được các thị trường có nhu cầu lớn. Qua đó, có thể đẩy mạnh xuất khẩu ngay khi thị trường phục hồi.
Cùng với đó, đơn hàng xuất khẩu gỗ nội thất bắt đầu tăng trở lại từ cuối quý II/2023. Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam ước đạt 6,42 tỷ USD, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn lạc quan có thể cán mốc xuất khẩu 14 tỷ USD vào cuối năm khi các doanh nghiệp bắt đầu đón thêm đơn hàng mới.
Một số tín hiệu lạc quan khác cũng tạo động lực cho ngành Nông nghiệp hoàn thành mục tiêu 55 tỷ USD như xuất khẩu gạo liên tục xô đổ các kỷ lục về giá và năng suất, xuất khẩu sầu riêng tăng tới 19 lần, ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ tăng trưởng...
Theo các chuyên gia, đến thời điểm này có thể khẳng định, ngành nông nghiệp đang nỗ lực vượt qua những "cơn gió ngược" và ghi nhận nhiều nhân tố tạo động lực tăng trưởng vào cho những tháng cuối năm.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.