Ngành sợi Việt gặp khó

Kinh doanh
08:54 AM 19/08/2024

Ngành sợi Việt Nam đã từng bước phát triển ổn định và trở thành một khâu đoạn quan trọng của dệt may. Tuy nhiên, trước nhiều áp lực, ngành sợi Việt đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), giá bông thế giới đã trải qua nhiều biến động trong vài tháng qua. Sau khi tăng lên trên 100 cent/lb, mức giá lại giảm mạnh về 70 cent/lb, làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá sợi. Trong 7 tháng năm 2024, sản lượng xuất khẩu sợi đạt 0,9 triệu tấn, tăng 7% về lượng nhưng giá bán lại giảm 3%.

Đóng gói sản phẩm sợi thành phẩm. Ảnh: TTXVN

Đóng gói sản phẩm sợi thành phẩm. Ảnh: TTXVN

Sự biến động giá bông không đồng bộ với giá sợi cùng với thời gian nhập khẩu kéo dài khiến các doanh nghiệp sợi gặp khó khăn.

Để giảm áp lực từ việc nhập khẩu bông với giá cao, nhiều doanh nghiệp sợi đã chuyển sang sản xuất các mặt hàng sợi pha và sợi tái chế, dù đây không phải là thế mạnh của họ. Tuy nhiên, do gặp khó khăn tài chính, nhiều doanh nghiệp đã phải bán sợi dưới giá thành sản xuất. Thị trường sợi hiện chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng và vẫn phụ thuộc nhiều vào tình hình giá nguyên liệu đầu vào, trong khi giá bông chịu ảnh hưởng mạnh từ các nhà đầu cơ.

Ngoài những khó khăn từ thị trường và lạm phát, lãi suất ngân hàng cao cũng là một thách thức lớn, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn cho sản xuất. Ngành sợi hiện nay có khoảng 10 triệu cọc sợi, với giá trị tài sản đầu tư mới ước tính khoảng 6 tỷ USD, trong đó khoảng 3 tỷ USD còn lại và mỗi năm doanh nghiệp phải trả nợ ngân hàng khoảng 300 triệu USD.

Theo dự báo, thị trường bông và sợi trong nửa cuối năm 2024 sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng do lương tối thiểu vùng đã tăng từ ngày 1/7. Điều này tạo ra áp lực lớn đối với các doanh nghiệp trong việc quản trị chi phí, duy trì và mở rộng lực lượng lao động để đáp ứng các đơn hàng mới.

Những khó khăn hiện tại của ngành sợi là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp, đòi hỏi sự hỗ trợ tiếp tục để vượt qua giai đoạn này. Các doanh nghiệp sợi kiến nghị ngân hàng không giảm hạn mức tín dụng và không yêu cầu tài sản bảo đảm cố định để duy trì sản xuất. Thêm vào đó, dự kiến diện tích gieo trồng bông mới ở Mỹ tăng 14% vào cuối tháng 6/2024 đã khiến giá bông quốc tế tụt dốc. Nguồn cung bông mới dự kiến dồi dào nhưng nhu cầu vẫn chưa phục hồi, khiến giá bông và giá sợi khó có thể khởi sắc.

Các chuyên gia khuyến cáo rằng, trong quý III và IV, doanh nghiệp sợi cần theo sát thị trường, cân đối nhu cầu sản xuất để tránh mua xa trong bối cảnh thị trường đầy biến động như hiện nay. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý sản xuất và lựa chọn những khách hàng, sản phẩm phù hợp để tối ưu hóa lợi nhuận.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn