Ngành Tài chính hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm

Tài chính - Đầu tư
03:55 PM 15/07/2024

Sáng 15/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính dự và chủ trì hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính, đại diện lãnh đạo các đơn vị vụ, cục, tổng cục, các doanh nghiệp thuộc Bộ.

Tại điểm cầu 62 tỉnh có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan tài chính địa phương.

Ngành Tài chính hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm- Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh.

6 tháng đầu năm, ngành Tài chính triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước phát sinh nhiều biến động, diễn biến phức tạp khó lường. Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất các giải pháp chính sách tài khoá, góp phần tích cực vào những kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.

Thu NSNN đạt 1.038,1 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023 (thu ngân sách trung ương ước đạt 64,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 57,4% dự toán). Trong đó, thu nội địa đạt 60,1% dự toán, tăng 19,7% so cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 64,3% dự toán, giảm 5,1% so cùng kỳ; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 68,4% dự toán, tăng 11,5% so cùng kỳ.

Chi NSNN ước đạt 803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán, bằng xấp xỉ mức thực hiện năm 2023; trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 29% dự toán Quốc hội quyết định, giảm 8,8% (16,4 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ; tỷ lệ giải ngân ước đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt khoảng 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt 49,7% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 43,7% dự toán.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Đến hết tháng 6 năm 2024, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 156,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 10,89 năm, lãi suất bình quân 2,33%/năm đảm bảo nguồn chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của ngân sách trung ương và góp phần định hướng lãi suất thị trường.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN ngay từ đầu năm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, gian lận trong kê khai thuế, hoàn thuế.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện quản lý thuế điện tử. Tiếp tục mở rộng triển khai cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế, ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho cá nhân, hộ kinh doanh; vận hành và thu thuế qua Cổng thông tin nộp thuế nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; triển khai cổng dữ liệu thông tin về sàn thương mại điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Dự báo trong thời gian tới tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức. Diễn biến khu vực và thế giới tiếp tục phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt; tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro; hiện tượng biến đổi khí hậu (El Nino) gây nắng nóng, hạn hán... tiếp tục tác động không thuận đến đà phục hồi của nền kinh tế thế giới và kinh tế nước ta.

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024, điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, chủ động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ Tài chính kiến nghị Thường trực Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương quyết tâm, chủ động, linh hoạt, thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024 tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đã đề ra.

Đồng thời, quyết liệt thực hiện công tác thu NSNN, trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, tăng cường quản lý thu các giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài,...

Tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn thu, phấn đấu tăng thu để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện các chính sách hỗ trợ; phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; tập trung đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII và Nghị quyết kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế

Các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu theo đúng ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, tiếp tục tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính trong lĩnh vực tài chính công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả...

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á

“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.