Ngành TMĐT năm 2021: 3 ông lớn Tiki, Lazada và Shopee sẽ có một năm “đua tranh điên cuồng” hơn cả 2020
Trong năm 2020, nhờ Covid-19, ngành TMĐT Việt Nam đã có một năm ăn nên làm ra, với tăng trưởng trung bình 18% và gần 50% với các sàn lớn. Theo nhiều suy đoán, năm 2021, ngành TMĐT còn có thể ‘bay’ hơn năm 2020. Thậm chí, Chủ tịch Tiki còn mạnh dạn đề ra mục tiêu cho doanh nghiệp mình sẽ tăng 3 con số.
Vốn dĩ ngành thương mại điện tử (TMĐT) đã là một mảnh đất kinh doanh màu mỡ, trong Covid-19, nó còn ‘thơm ngon’ hơn. Bởi, khi toàn thế giới lock-down hoặc giãn cách xã hội, thì mua hàng online là phương cách duy nhất để người dân thỏa mãn các nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của họ.
Mặc dù nhu cầu tiêu dùng của xã hội xuống thấp bởi khủng hoảng, nhưng vì đây là phương tiện mua sắm duy nhất và tiện lợi nhất trong Covid-19, nên tổng giá trị mua sắm online không những bù được mà còn vượt trội so với trước kia. Tức số lượng người mua sắm online tăng vọt đã bù tốt lượng hao hụt trong giá trị các đơn hàng.
Giới TMĐT của Việt Nam đã có một năm phát triển rực rỡ và Shopee tạm thời thắng thế
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, TMĐT Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, quy mô thị trường 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, doanh thu của các sàn lớn như Tiki, Shopee hoặc Lazada có thể tăng trưởng thấp nhất khoảng 50%.
"Nhìn vào tiến trình phát triển của ngành TMĐT thế giới, chúng ta đều có thể thấy: sau các đợt khủng hoảng xã hội – kinh tế toàn cầu, những ông lớn như Amazon hay Alibaba đều phát triển bùng nổ để trở nên hùng mạnh như ngày hôm nay. Thế nên, lúc nhìn thấy Covid-19 bắt đầu manh nha tại Trung Quốc và lan rộng sang các nước khác, chúng tôi biết cơ hội của mình đã tới.
Những năm bình thường trước Covid-19, ngành TMĐT Việt Nam thường chỉ bận rộn và dồn lực vào thời điểm cuối năm - nhằm phục vụ cho nhu cầu tăng cao đột biến của người dùng trong các ngành Double Day như 11/11 hay 11/11, Black Friday – Cyber Monday và Tết. Theo đó, các sàn TMĐT thường hoạt động với nhịp độ bình thường ở thời điểm giữa năm, rồi chuẩn bị kỹ càng để đón các đợt bán hàng khủng vào cuối và đầu năm.
Nhưng năm nay, do Covid-19 khiến nhu cầu bán – mua hàng online tăng vọt xuyên suốt từ đầu năm đến cuối năm, buộc toàn bộ nhân viên của Shopee phải ‘vắt chân lên cổ’ để chạy. Trong năm 2020, Shopee không có nghỉ Tết Tây và không có cả company trip, sắp tới có lẽ sẽ không có cả Tết Ta", ông Trần Tuấn Anh – CEO Shopee Việt Nam sơ lược về thị trường TMĐT trong năm 2020.
Ông Trần Tuấn Anh – CEO Shopee Việt Nam
Còn theo số liệu bản đồ thương mại điện tử Việt Nam mới được iPrice Group công bố gần nhất, lượng người dùng truy cập vào website của Shopee trong quý III/2020 vừa qua đạt 62,7 triệu lượt, tăng tới hơn 10 triệu lượt so với quý II/2020 và là quý tăng mạnh nhất từ trước tới nay.
Đứng thứ 2 và thứ 3 lần lượt là Tiki cùng Lazada, 2 sàn TMĐT đều đã có lượng truy cập tăng trưởng trở lại. Đối với Tiki, lượng truy cập tăng lên 22,6 triệu lượt sau khi liên tục sụt giảm 6 quý liên tiếp trước đó. Lazada đạt 20,2 triệu lượt truy cập, tăng 9% so với tháng trước. Còn nhếu so với Shopee, lượng truy cập của 2 trang thương mại điện tử này chỉ bằng 1/3 so với đối thủ.
"Trong năm 2020, cơ hội dành cho các doanh nghiệp trong ngành TMĐT là ngang nhau, bài toán chung là phải làm sao bắt kịp được nhu cầu mua – bán online tăng nhanh trong xã hội. Sở dĩ chúng tôi có thể vọt lên là nhờ chiến lược quyết định nhanh, thực thi đồng bộ và quyết liệt.
Khối lượng công việc của toàn thể nhân viên của Shopee tăng không chỉ từ việc gia tăng người mua mà cả người bán mới trên sàn do Covid-19", CEO Shopee Việt Nam tiết lộ.
Còn theo Lazada, năm 2020 của họ cũng hết sức đáng nhớ: số lượng người dùng trên các nền tảng số ở Đông Nam Á đã đạt mức 310 triệu người (dự đoán trước đó là phải vào 2025 mới có 310 triệu người), tổng mức tăng trưởng TMĐT được dự báo trong khu vực năm 2020 là 63%; mức độ ưa chuộng mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng tăng 44%, số người tiêu dùng mới sử dụng các dịch vụ số sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ đó kể cả sau đại dịch là 80%.
Bên cạnh đó, Lazada Việt Nam còn mừng sinh nhật lần thứ 8 với 88 giờ livestream thần tốc, lễ hội mua sắm giữa năm – tăng trưởng 53 lần về số lượng đơn hàng trong giờ đầu tiên so với ngày thường. 9/9 siêu sale chính hãng: tăng trưởng 20 lần doanh số trong LazMall, đạt hơn 29 triệu lượt xem livestream, tăng hơn 2 lần số lượng người bán hàng so với cùng kỳ 2019.
11/11 sale toàn sàn, đạt hơn 40 triệu người dùng, đạt 11 triệu USD doanh số trong 100 giây đầu tiên, hơn 70 thương hiệu tham gia trò chơi mới trên LazGame, trao tặng hơn 20 triệu mã giảm giá. 12/12: sale cuối năm, hơn 400.000 nhà bán hàng tham gia, đạt mức tăng trưởng doanh số hơn 16,5 lần, doanh số của LazLive tăng 4,6 lần so với cùng kỳ 2019.
Trong bài phỏng vấn gần nhất với chúng tôi tôi, CEO James Dong của Lazada Việt Nam cho rằng: "Tôi đã nói với các cộng sự của mình, cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử giống như là một cuộc chạy đua marathon. Nếu ai đã từng chạy marathon thì sẽ hiểu chính xác pace (tốc độ tính theo phút/km) quan trọng như thế nào. Đặc biệt là khi mới bắt đầu, nếu chạy quá nhanh, bạn sẽ khiến bản thân nhanh chóng kiệt sức".
Thế nên, với Lazada Việt Nam họ không coi trọng các chỉ số như lượng người truy cập mà quan tâm đến lượt chuyển đổi: "Tôi không quá lo lắng về việc đó. Chúng tôi đã ở trong ngành này rất lâu rồi, lâu hơn bất kỳ đơn vị nào khác trên thị trường.
Lượt truy cập tất nhiên là một mối ưu tiên quan trọng của chúng tôi rồi nhưng phải là lượt truy cập chất lượng. Lượt truy cập từ website rất khó có thể chuyển đổi thành người mua nên đó không phải là thứ chúng tôi đặt trọng tâm. Ở những lượt truy cập chất lượng (trên ứng dụng) thì Lazada duy trì ở Top 1 hoặc 2 tuỳ thời điểm và tỷ lệ chuyển đổi của chúng tôi vẫn tiếp tục được cải thiện.
Mô hình kinh doanh này được Alibaba tạo ra 20 năm trước và ở một nơi khác trên thế giới, sự kết hợp của mô hình online giữa retail và marketplace – một mô hình lai của Alibaba và Amazon được tạo ra bởi Lazada 8 năm trước đây. Chúng tôi cũng liên tục biến đổi và nâng cấp trong nhiều khía cạnh. Ở Việt Nam, chúng tôi là nền tảng tiên phong phát triển mạnh livestreaming và đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng logistics, các cơ sở kho vận, trung tâm chia chọn…
Chúng tôi tự tin về mô hình kinh doanh cũng như ý tưởng sáng tạo để phát triển. Cũng vì thế, chúng tôi cũng không quá lo sợ về một bước ngoặt trên thị trường đến từ các đơn vị khác. Cũng như một cuộc chạy đua marathon, chúng tôi quan tâm đến pace (tốc độ) của mình và khi mọi thứ đang tăng trưởng tốt và liên tục, hiệu quả kinh doanh không ngừng được cải thiện theo từng quý… thì tốc độ của Lazada vẫn đang rất ổn định".
Trong khi Lazada luôn tự hào về sự hậu thuẫn từ công ty mẹ Alibaba và thị trường rộng lớn Đông Nam Á, thì với Tiki, lợi thế cạnh tranh của họ chính là chỉ đang tập trung duy nhất cho thị trường Việt Nam.
CFO Richard Triều Phạm của Tiki khẳng định: "Điều khiến Tiki thật sự khác biệt trên thị trường chính là chúng tôi tập trung toàn lực cho thị trường Việt Nam. Việt Nam là thị trường duy nhất của chúng tôi.
Chiến lược của Tiki là trở thành sàn TMĐT tốt nhất của người Việt, dành cho người Việt. Vì vậy, chúng tôi đã tập trung đầu tư hàng chục triệu đô la Mỹ mỗi năm vào hệ thống logistics, phát triển công nghệ, nguồn nhân lực. Những gì tốt nhất cho Việt Nam cũng chính là tốt nhất cho Tiki. Chúng tôi hiểu rằng, đây là một chặng đường dài. Và mục tiêu cuối cùng của Tiki là xây dựng và đồng hành cùng nhiều công ty Việt hơn nữa để đóng góp tích cực vào toàn bộ nền kinh tế".
Dịch vụ TikiPRO
Theo Tiki, một trong những mảnh ghép mang dấu ấn giá trị lõi công nghệ rõ nét nhất tại Tiki trong năm 2020 chính là dịch vụ giao nhận với TikiNOW (2h, trong ngày, ngày tiếp theo). Bên cạnh đó, dịch vụ giao nhận và lắp đặt theo lịch hẹn TikiPRO đối với các sản phẩm điện lạnh - điện gia dụng lớn, vừa được ra mắt hồi tháng 8/2020, cũng là sáng kiến mang hàm lượng công nghệ đáng chú ý nhất trong năm vừa qua của Tiki.
Tính đến nay, dịch vụ giao hàng hỏa tốc TikiNOW đã mở rộng áp dụng cho gần nửa triệu sản phẩm. Trong khi đó dịch vụ TikiPRO đã tăng trưởng gấp 3 lần cả về doanh số và lượng đơn hàng chỉ sau 3 tháng ra mắt, đặc biệt lượng đơn hàng tăng gấp 17 lần trong những dịp sale lớn như 12/12 vừa qua. Hiện Tiki là đơn vị thương mại điện tử duy nhất tại Đông Nam Á thực hiện dịch vụ giao hàng nhanh với TikiNOW và giao hàng, lắp đặt theo lịch hẹn với TikiPRO.
Một dịch vụ khác cũng được ra mắt trong năm 2020 chính là TikiNGON - cung cấp thực phẩm tươi sống cho bữa ăn của gia đình Việt, từ trái cây tươi đến thịt, hải sản....Riêng trong dịp sale cuối năm vừa qua, đơn hàng TikiNGON có thời điểm đã tăng gấp 11 lần so với ngày thường.
Tiki đang rất quyết tâm chiếm ngôi vương trong năm 2021
"Như tôi đã nói nhiều lần, sắp tới các sàn TMĐT, không chỉ chú trọng vào yếu tố mua sắm mà chúng tôi còn phải mang đến nhiều niềm vui cho khách hàng. Slogan của Tiki là ‘niềm vui mua sắm’. Yếu tố ‘mua sắm’ đã được Tiki tập trung trong suốt 10 năm nay, còn sắp tới chúng tôi sẽ tập trung nhiều thêm vào yếu tố ‘niềm vui’. Bây giờ, khi khách hàng đến với sàn Tiki, họ không chỉ thực hiện mục tiêu mua sắm mà còn có thể giải trí.
Nông thôn đúng là ‘chiến trường’ sắp đến, nhưng không phải trong 3 năm tới. Bởi vì 3 năm tiếp theo, theo chúng tôi, sự chênh lệch trong phát triển ngành TMĐT giữa thành thị và nông thôn vẫn còn khá lớn. Nông thôn Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ về cơ sở - hạ tầng cho TMĐT bùng nổ. Nhưng sau 3 năm tới, tôi nghĩ vùng nông thôn sẽ là một thị trường tiềm năng cho bất cứ ngành nào, trong đó có ngành TMĐT.
3 nan đề mà ngành TMĐT phải giải trong tương lai vẫn là logistics, công nghệ - khoa học kỹ thuật cùng nguồn vốn. Logistics chính là xương sống của ngành TMĐT, nếu cơ sở hạ tầng của một quốc gia chưa phát triển thì thật khó để các doanh nghiệp TMĐT ở quốc gia đó mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm tốt nhất có thể.
Về mặt công nghệ - con người, Việt Nam chúng ta cần thêm thời gian để bắt kịp thế giới. Vì vậy, chúng tôi cũng đầu tư rất nhiều vào công nghệ - con người, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư, nhằm mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm tốt nhất.
Thứ ba, khi xây dựng một nền tảng TMĐT, đòi hỏi nguồn vốn rất lâu dài và phải chấp nhận một vài năm đầu, nguồn vốn sẽ được sử dụng để tập trung mở rộng thị trường và thu hút khách hàng. Thế nên, các doanh nghiệp TMĐT cần một nguồn vốn đủ lớn, đủ dài và đủ tầm nhìn để đồng hành cùng họ", ông Ngô Hoàng Gia Khánh - Phó Tổng Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp Tiki dự đoán về năm 2021.
Tuy nhiên, cho dù thị trường còn nhiều khó khăn là thế, Tiki vẫn rất lạc quan về bản thân trong năm 2021, khi CEO Tiki - Trần Ngọc Thái Sơn đặt mục tiêu tăng trưởng 3 con số: "Năm nay, sàn TMĐT Tiki đặt mục tiêu tăng trưởng 3 con số, trong đó số lượng bán và sản phẩm mục tiêu gấp 4 lần năm vừa qua. Những nhà bán chỉ tập trung vào hàng hoá tốt còn chuyện vốn, giao hàng đã có Tiki và đơn vị đối tác lo…"
Vị CEO này chia sẻ, dù mới ra đời được hơn 3 năm nhưng sàn TMĐT Tiki tăng trưởng khá nhanh, một phần nhờ sự hỗ trợ từ các nhà bán hàng. Hiện nay, mỗi tháng có 80 triệu lượt view truy cập sàn TMĐT Tiki, có khoảng vài chục ngàn nhà bán chưa kể những nhà bán đang trong quá trình tham gia. Hơn nữa Tiki đã có sự chuẩn bị tốt trong năm 2020 cùng số vốn khổng lồ họ vừa nhận được.
Tiki chính là quán quân của công cuộc gọi vốn năm ngoái, khi vào giữa tháng 6/2020, theo nguồn tin của tờ Dealstreet Asia, Tiki đã huy động thành công thêm 130 triệu USD trong vòng huy động vốn mới nhất, dẫn đầu bởi quỹ tư nhân Northstar Group. Được biết, vòng huy động vốn này dự kiến sẽ có thể thu về 150 triệu USD nếu có thêm các nhà đầu tư quan tâm. Vòng gọi vốn này của Tiki kéo dài từ năm 2019 đến 2020.
Ngay từ đầu năm, Tiki đã ra một chỉ tiêu khá ấn tượng cho cả toàn công ty. "Chúng tôi kỳ vọng doanh số của mùa mua sắm Tết Âm lịch năm nay tại Tiki sẽ tăng trưởng lên đến 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Để đạt được điều này, Tiki đã kỹ lưỡng chuẩn bị hàng hóa, đảm bảo cả về lượng và chất, cam kết bình ổn giá bán, đặc biệt mang đến nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá hấp dẫn để Khách Hàng yên tâm tận hưởng mua sắm cùng Tiki", ông Ngô Hoàng Gia Khánh cho hay.
Phần mình, Shopee cũng quyết tâm không kém trong năm 2021 hòng giữ ngôi vương.
Shopee đang quyết tâm giữ ngôi vương trong năm 2021.
Theo tiết lộ từ vị CEO Shopee Việt Nam, dù bận rộn cho công việc kinh doanh – vận hành là thế; song Shopee vẫn quyết định tiến hành tái cấu trúc nhân sự trong năm 2021. Bởi, theo quan điểm của ông Trần Tuấn Anh, hiện thị trường TMĐT đang tăng trưởng gấp 3 đến 4 lần những năm trước Covid-19, nếu không cơ cấu lại nhân sự để đón đầu cơ hội, Shopee sẽ lãng phí mất 1 năm.
"Làm kinh doanh phải biết doanh nghiệp mình sẽ về đến đâu trong tương lai. Biết vài năm nữa mình sẽ có vị thế như thế nào trên thị trường. Tất nhiên chúng ta phải luôn ưu tiên việc dẫn dắt doanh nghiệp trụ lại được hoặc thành công ở hiện tại, song vẫn phải có kế hoạch cho tương lai. Tôi luôn biết Shopee Việt Nam sẽ đi về đâu và đích đến trong 3 đến 5 năm nữa; rồi căn cứ vào thời cuộc để chọn lựa đường đi và phương tiện phù hợp – hiệu quả.
Tôi cũng biết rõ mình sẽ phải làm gì với công ty và với nguồn nhân lực đang có. Trong Covid-19, bộ máy nhân sự của Shopee chỉ căng ra chứ không mở rộng. Trong năm 2021, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng độ khó cho nhân viên của mình và muốn công việc vẫn phải chạy khi làm thế, Shopee buộc phải tái cấu trúc và phải làm ngay từ bây giờ. Tôi không có thói quen nhìn quá nhiều vào tương lai mà chỉ tập trung vào hiện tại.
Tôi không thích rơi vào thế bị động hay ‘nước đến chân với nhảy’. Các nhà đầu tư luôn không thích những founder không biết doanh nghiệp của mình sẽ đi đâu về đâu trong vài năm tới", CEO Shopee Việt Nam bàn luận.
Trong năm 2021, Shopee sẽ tập trung chuyển đổi nội bộ, công ty đang tích cực ‘luyện quân’. Hiện họ đang có khá nhiều ‘chiến tướng’ và đang cân nhắc xem năm nay sẽ sử dụng những vị tướng đó như thế nào. Trong năm 2020, nhân viên Shopee rất hiếm được xả hơi hay mừng Lễ Tết đúng nghĩa và năm 2021 nhiều khả năng cũng thế!
Cá biệt, Lazada có vẻ không mặn mà gì lắm với cuộc đua đầy hứng khởi ở thị trường TMĐT Việt Nam như 2 đối thủ Tiki và Shopee, họ vẫn kiểu ‘việc mình mình làm’. Trong năm 2021, Lazada tiếp tục là nền tảng kinh doanh cho hàng trăm ngàn thương hiệu và nhà bán hàng tăng trưởng; đẩy mạnh tiềm lực công nghệ với nhiều sáng kiến giúp tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng; nâng cao sức mạnh logistic nhằm hướng tới giao hàng trong ngày với chi phí giao hàng thấp nhất.
Trong năm 2021, Lazada Việt Nam tiếp tục đổ nhiều tiền vào đầu tư hạ tầng hậu cần logistics.
"Thực tế, tôi không nghĩ là chúng tôi phải táo bạo hơn hay nên lùi bớt lại. Chúng tôi vẫn tiếp tục tăng đầu tư vào Việt Nam nhưng việc này cần được tính toán cẩn thận. Mức đầu tư của Lazada được bổ sung dựa trên các đánh giá riêng của chúng tôi về thị trường chứ không chỉ dựa vào các đơn vị khác. Tại Việt Nam, chúng tôi đang chuyển đổi từ mô hình nền tảng bán lẻ trực tuyến (online retail platform) sang mô hình marketplace. Điều này cần nhiều thời gian để xây dựng một hạ tầng vững chắc và hiệu quả.
Tóm lại, chúng tôi có niềm tin vững vàng vào lối đi riêng của mình. Về dài hạn, chúng tôi tin tưởng rằng Lazada có thể duy trì vị trí số 1, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác nữa", ông James Dong nhận định.
Lazada cho rằng, họ không đầu tư ít hơn các bên khác, nhưng ở góc độ người tiêu dùng, mọi người khó có thể nhìn thấy một cách rõ ràng. Đó là vì sàn này tập trung phần lớn đầu tư của mình vào việc phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ và logistics. Chúng tôi đã xây nhà kho từ 7-8 năm trước đây, tại thời điểm mà chưa nển tảng nào bắt đầu việc đó. Cho đến nay, Lazada đã xây dựng và sở hữu hệ thống hạ tầng logistics lớn nhất Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.
Lazada đang nỗ lực để trong vòng 3 năm nữa nếu giao hàng ở Việt Nam thì chỉ trong 1 ngày, còn trên thế giới là 3 ngày. Lazada đang tiến tới mục tiêu đó và điều này tốn rất nhiều tiền đầu tư. Đến bây giờ, Lazada đã có một hạ tầng logistics rất mạnh, điều mà các nền tảng thương mại điện tử khác không có.
"Mua lượt truy cập website sẽ dễ dàng và nhanh, chúng tôi hiểu điều đó. Nhưng nếu muốn xây dựng một hệ thống nhà kho và hạ tầng logistics tốt, bạn không thể làm nhanh được kể cả khi bạn đi mua một công ty logistics. Chúng tôi luôn nhìn thị trường ở góc nhìn dài hạn. Thời gian là bạn của chúng tôi!", CEO Lazada Việt Năm kết luận.
Cả Lazada Việt Nam lẫn Shopee đều có những lợi thế nhất định về nguồn vốn, khi hậu thuẫn đằng sau họ là những 'Kỳ lân" hoặc 'Kỳ lẫn nhiều sừng', nhưng Tiki cũng có những lợi thế không thể chối cãi được về sự am hiểu thị trường và tính tập trung. Nếu Tiki làm được như lời CEO của họ nói, "ngôi vương" về lượt truy cập vào cuối năm 2021 có thể sẽ đổi chủ
Quỳnh NhưDự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.