Ngành tôm đang bước vào giai đoạn phát triển bền vững

Kinh doanh
11:03 AM 27/03/2025

Nhận định trên được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) - Phùng Đức Tiến đưa ra tại Lễ khai mạc Hội chợ Triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam - Vietshrimp 2025, ngày 26/3, tại Cần Thơ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, trong 2 thập kỷ qua, ngành tôm luôn giữ vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. Cộng đồng ngành tôm đã nỗ lực không ngừng để con tôm Việt Nam trở thành một trong những mặt hàng chủ lực xuất khẩu, đưa Việt Nam thành một trong những quốc gia cung cấp tôm hàng đầu thế giới, chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn cầu. Việt Nam cũng được đánh giá có công nghệ chế biến tôm hiện đại nhất.

Theo số liệu của Hội Thủy sản Việt Nam, năm 2024 sản lượng tôm cả nước đạt 1,264 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2023, trong đó sản lượng tôm sú đạt 284.000 tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 980.000 tấn. Xuất khẩu tôm đạt hơn 4 tỷ USD, tăng mạnh so với năm 2023.

Ngành tôm đang bước vào giai đoạn phát triển bền vững - Ảnh 1.

Tôm Việt xuất khẩu tăng mạnh, ngành tỷ USD bước vào cách mạng xanh. Ảnh: Internet

Năm nay, dù dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới phục hồi chậm, chi phí đầu vào tăng; áp lực cạnh tranh, yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngày càng cao, phòng vệ thương mại, xung đột kéo dài...

“Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực đã xuất hiện khi 2 tháng đầu năm nay xuất khẩu tôm đạt hơn 542 triệu USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm trước. Điều này có được từ sự phục hồi của một số thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, EU... Do đó, việc triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, tận dụng tốt chính sách của các thị trường là cơ hội cho tôm Việt bứt phá trong năm nay”, Thứ trưởng Tiến nhận định.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, tăng trưởng mạnh của ngành tôm thời gian qua có sự đóng góp đáng kể của công nghệ cao và chuyển đổi số trong cả nuôi trồng và chế biến. Tuy nhiên, ông Thắng cũng chỉ ra rằng việc mở rộng diện tích nuôi tôm truyền thống đang gây áp lực lớn lên chất lượng môi trường tự nhiên, đòi hỏi toàn ngành phải nhanh chóng chuyển dịch sang hướng sản xuất xanh, tuần hoàn và bền vững.

Hiện Việt Nam có trên 750.000ha diện tích nuôi tôm, trong đó hơn 200.000ha nuôi theo phương thức hữu cơ, sinh thái hoặc kết hợp tôm - rừng, tôm - lúa. Đây là những mô hình đã chứng minh được ưu thế vượt trội, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về môi trường tại nhiều thị trường khó tính.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành tôm Việt đang bước vào cuộc cách mạng xanh, ưu tiên phát triển bền vững bằng ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và tạo ra giá trị gia tăng lâu dài. Ông kỳ vọng năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ đạt từ 4 đến 4,3 tỷ USD.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn