Cuộc khủng hoảng vận tải biển mới dần lộ diện khi dịch COVID-19 đang đe dọa miền nam Trung Quốc, khiến các dịch vụ cảng và giao nhận bị gián đoạn, đẩy chi phí vận tải tiếp tục leo thang.
Cuộc khủng hoảng vận tải biển mới dần lộ diện khi dịch COVID-19 đang đe dọa miền nam Trung Quốc, khiến các dịch vụ cảng và giao nhận bị gián đoạn, đẩy chi phí vận tải tiếp tục leo thang.

Lộ diện thêm cuộc khủng hoảng vận tải biển 

Khi các nền kinh tế trên thế giới dần phục hồi từ đại dịch, nhu cầu mua hàng trở nên bùng nổ. Các hãng vận tải biển hối hả chở hàng đi khắp nơi, khiến số lượng container sẵn có sụt giảm nghiêm trọng. Các chuyến hàng từ Trung Quốc đến Mỹ và châu Âu do đó mà bị chậm trễ khá nhiều, và giá hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng tăng cao.

Ngành vận tải biển đối diện cú sốc mới - Ảnh 2.

Sau đó, Ever Given - một trong các con tàu container lớn nhất thế giới, bị mắc cạn và chắn ngang kênh đào Suez trong gần một tuần. Dòng chảy thương mại càng thêm gián đoạn.

Lần này, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) - trung tâm vận tải biển của thế giới - đang đối mặt với số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến, khiến giới chức nơi đây phải phong tỏa các quận huyện và doanh nghiệp để ngăn chặn COVID-19 lây lan nhanh chóng.

Công suất xử lý hàng hóa tại các cảng biển theo đó cũng giảm xuống, gây ra sự chậm trễ nghiêm trọng trong việc vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, chi phí vận chuyển - vốn đã cao - nay càng lên cao hơn vì thời gian tàu hàng chờ tại cảng bị kéo dài, giới phân tích và chuyên gia trong ngành cho hay.

Tình trạng gián đoạn ở hai thành phố Thâm Quyến và Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) cực kỳ nghiêm trọng. Chỉ riêng hai thành phố này đã có thể gây ra ảnh hưởng chưa từng có lên chuỗi cung ứng.
Brian Glick - CEO của hãng quản trị chuỗi cung ứng Chain.io

Chia sẻ với CNBC, CEO Brian Glick của hãng quản trị chuỗi cung ứng Chain.io nhấn mạnh: "Tình trạng gián đoạn ở hai thành phố Thâm Quyến và Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) cực kỳ nghiêm trọng. Chỉ riêng hai thành phố này đã có thể gây ra ảnh hưởng chưa từng có lên chuỗi cung ứng".

Còn ông JP Wiggins, Phó Chủ tịch phát triển doanh nghiệp của Công ty phần mềm vận tải 3GTMS cho rằng cuộc khủng hoảng cảng biển ở Trung Quốc sẽ càng làm gián đoạn hoạt động vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng Mỹ trong khi nhiều lô hàng đang trên đến Bắc Mỹ. Trước đó, sự cố kênh đào Suez đã tác động rất lớn đến đến hoạt động thương mại của châu Âu khiến nhiều lô hàng được chuyển đến châu Âu bị trì hoãn.

Ngành vận tải biển đối diện cú sốc mới - Ảnh 4.

Ngành vận tải biển hứng chịu 3 cuộc khủng hoảng liên tiếp kể từ đầu năm nay. Ảnh: Nikkei Asia.

Ông JP Wiggins cho rằng kỳ vọng của người tiêu dùng sẽ tiếp tục rơi vào "trạng thái COVID". Chuyên gia này dự đoán sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt và thậm chí khan hiếm hàng hóa do châu Á sản xuất.

Ông Zhang Zhiwei, chuyên gia kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management cảnh báo: "Cùng với đại dịch bùng phát ở Ấn Độ và Đông Nam Á, giá hàng hoá cơ bản leo thang và cước vận tải biển tăng, dịch COVID bùng phát ở Quảng Đông có thể làm gia tăng áp lực lạm phát ở các quốc gia khác".

Trước đây, cước vận tải biển thường được cho là có ảnh hưởng không quan trọng đối với lạm phát, vì chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí. Nhưng tốc độ tăng chóng mặt của cước vận tải biển hiện nay đã khiến các chuyên gia kinh tế phải chú ý, đặc biệt khi sự gia tăng này diễn ra đồng thời với cơn sốt giá hàng hoá cơ bản, từ các kim loại công nghiệp cho tới lương thực.

Một trong những con tàu container lớn nhất thế giới, Ever Given, bị mắc kẹt ở Kênh đào Suez, chặn tuyến đường giao thương chính của thế giới trong gần một tuần.

Một báo cáo của Ngân hàng HSBC ước tính rằng giá cước vận chuyển container bằng đường biển tăng 205% trong một năm qua có thể khiến chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng tới 2%.

Tại Trung Quốc, PPI tháng 5 tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất kể từ tháng 9/2008. CPI tháng 5 của Trung Quốc tăng 1,3%, còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ nước này là khoảng 3%. Tuy nhiên, nếu PPI tăng kéo dài, giá tiêu dùng tất yếu sẽ đến lúc phải tăng theo.

Hệ lụy chồng chất

Cước phí vận tải biển nhảy vọt là ảnh hưởng trực tiếp và thấy rõ nhất từ cuộc khủng hoảng. Ông Glick của Chain.io cho hay: "Rất nhiều hãng vận tải vừa và nhỏ đang bị sốc vì cước vận tải ăn mòn biên lợi nhuận của các sản phẩm mà họ vận chuyển... Không ai biết cước phí khi nào đạt đỉnh".

Ngành vận tải biển đối diện cú sốc mới - Ảnh 7.

Bà Shehrina Kamal, Phó Chủ tịch của công ty tư vấn Everstream Analytics cho biết, vì không thể chịu được sự chậm trễ khi vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, một số doanh nghiệp đã tìm cách đưa hàng đi bằng đường hàng không. Biện pháp này sẽ làm tăng thêm chi phí chuyên chở hàng.

Chưa kể, thời gian chờ tàu đến bến cảng quốc tế Yantian ở Thâm Quyến đã nhảy vọt từ trung bình nửa ngày lên 16 ngày, bà Kamal thông tin thêm. Cảng Nam Sa ở Quảng Châu cũng đang trải qua tình cảnh tương tự. Việc tàu hàng phải chờ đợi lâu ngày như thế sẽ gây ra "tác động kép" đến các cảng khác trên khắp miền nam Trung Quốc.

Việc vận chuyển hàng đi bằng đường hàng khônglàm tăng thêm chi phí chuyên chở hàng.

Bà Kamal cảnh báo, tác động dây chuyền có thể lan sang các tỉnh lân cận như Quảng Tây, Vân Nam, Hồ Nam và Hồ Bắc. Ngoài Trung Quốc đại lục, các cảng tại trung tâm tài chính Hong Kong cũng bị ảnh hưởng.

Giá hàng hóa do đó có thể leo thang nghiêm trọng, càng khiến nhà đầu tư lo lắng hơn về rủi ro lạm phát và tác động tới chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương.

Ông Zhang của Pinpoint Asset Management cảnh báo: "Cùng với tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, chi phí hàng hóa và cước vận tải nhảy vọt và số ca bệnh gia tăng nhanh ở tỉnh Quảng Đông có thể góp phần làm tăng áp lực lạm phát ở các nền kinh tế khác".

Nội dung và trình bày: Nhung T.