Ngành vật liệu xây dựng đóng góp 11% GDP quốc gia
Theo Bộ Xây dựng, tổng giá trị doanh thu hàng năm của ngành vật liệu xây dựng, xi-măng, sắt thép ước đạt gần 47 tỷ USD (chiếm khoảng 11% GDP quốc gia).
Thông tin trên được Bộ Xây dựng cho biết tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi-măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.
Theo Bộ Xây dựng, trong 10 năm gần đây, tổng năng lực sản xuất các vật liệu xây dựng chủ lực của Việt Nam đã tăng trưởng đạt khoảng 120 triệu tấn xi-măng, 830 triệu m2 gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu m2 kính xây dựng, 20 tỷ viên gạch đất sét nung, 12 tỷ viên gạch không nung (quy tiêu chuẩn).
Chất lượng vật liệu xây dựng Việt Nam đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đứng Top các nước ASEAN. Tổng giá trị doanh thu hàng năm của ngành vật liệu xây dựng, xi-măng, sắt thép ước đạt gần 47 tỷ USD (chiếm khoảng 11% GDP quốc gia).
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước cùng với việc thị trường bất động sản chưa phục hồi dẫn đến sản xuất xi-măng, sắt thép và VLXD suy giảm. Tổng sản lượng xi-măng tiêu thụ năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022. Năm 2023, sản xuất thép xây dựng đạt 10,655 triệu tấn (giảm 12,2% so với năm 2022), tiêu thụ đạt 10,905 triệu tấn (giảm 11,2% so với năm 2022).
Các đại biểu tại Hội nghị cho rằng ngành xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng gặp khó khăn do giá đầu vào sản xuất tăng, nguyên liệu sản xuất khan hiếm và chịu sức ép về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phải đầu tư xử lý khí thải, giảm thiểu CO2 làm tăng chi phí sản xuất, trong khi chính sách hỗ trợ chưa có. Đặc biệt, các đại biểu cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là do sức tiêu thụ trong nước, cũng như xuất khẩu suy giảm...
Để ngành xi-măng, sắt thép, VLXD phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giải pháp hỗ trợ cho ngành VLXD là phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; tăng cường triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở công nhân trong khu công nghiệp và các chương trình, dự án xây dựng nhà ở khác.
Trên cơ sở phân tích, các đại biểu đề nghị đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình quốc phòng, an ninh, công trình biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở; triển khai mạnh mẽ Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Xây dựng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền; tăng cường sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi-măng trong xây dựng đường bộ; có cơ chế, chính sách phù hợp về thuế, phí; ưu đãi về tài chính... hỗ trợ ngành xi-măng, sắt thép, vật liệu xây dựng; các doanh nghiệp cần chủ động có kế hoạch sản xuất, kinh doanh; kiểm soát nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu...
An Mai (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.