Ngành xi măng chật vật để cân đối cung - cầu
Nguồn cung xi măng đã vượt xa so với nhu cầu, nhưng vẫn tiếp tục được bổ sung trong năm 2023 khiến ngành xi măng tiếp tục chật vật để cân đối cung cầu, điều tiết sản xuất - tiêu thụ.
Nguồn cung tăng, tiêu thụ chững lại
Năm 2022, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước đạt 62,7 triệu tấn, tương đương năm 2021. Tiêu thụ xi măng chững lại do chu kỳ đi xuống của thị trường bất động sản, cộng với việc giải ngân vốn đầu tư các công trình công còn chậm, khiến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng bị ảnh hưởng đáng kể.
Việc dư thừa xi măng tiếp tục dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong bối cảnh các đơn vị sản xuất xi măng đứng trước áp lực phải tiêu thụ sản phẩm, nhiều đơn vị phải thực hiện dừng lò nung/giảm năng suất chạy lò.
Đầu tháng 1 vừa qua, một số dây chuyền xi măng xác nhận phải dừng lò, kết hợp sửa chữa thiết bị, cũng để giảm tải áp lực về tiêu thụ khi thị trường xi măng trong nước và xuất khẩu còn trầm lắng.
Trong khi đó, theo kế hoạch, năm 2023 sẽ có thêm hai dây chuyền mới đi vào vận hành, gồm xi măng Xuân Thành 3 (công suất 4,5 triệu tấn/năm), xi măng Long Thành (2,3 triệu tấn/năm). Dự kiến nguồn cung xi măng sẽ đạt khoảng 120,7 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự báo chỉ ở mức 63 - 65,5 triệu tấn.
Các chuyên gia nhận định thị trường bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó, khi dòng vốn vẫn chưa được khơi thông, tâm lý người mua nhà thận trọng… khiến nhiều doanh nghiệp không dám đẩy mạnh đầu tư dự án mới, mà chọn tập trung khai thác các dự án hiện hữu, giãn tiến độ xây dựng.
Cần có chiến lược dài hạn về sản xuất kinh doanh
Doanh nghiệp xi măng đang trông chờ tín hiệu từ sự phục hồi và phát triển thị trường bất động sản với một loạt giải pháp đang được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung thực hiện nhằm phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Đối với thị trường xuất khẩu, dự báo trong năm 2023, với tình hình thế giới diễn biến phức tạp bởi dịch bệnh và xung đột Nga-Ukraine, có thể sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước và ảnh hưởng thị trường tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng của Việt Nam, đặc biệt lĩnh vực xuất khẩu xi măng.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu xi măng lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, do nhu cầu xây dựng yếu đi tại Trung Quốc, xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang thị trường này giảm đáng kể.
Cùng với đó, các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, áp dụng hàng rào kỹ thuật thương mại, giá cước vận chuyển cao gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang triển khai các giải pháp cụ thể để bình ổn thị trường xi măng, tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát huy đạt và vượt công suất thiết kế, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.
Đẩy mạnh việc tận dụng phế thải công nghiệp làm nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất xi măng; kết hợp nghiên cứu phát triển các loại xi măng bền sulfat phục vụ xây dựng dự án, công trình ven biển, hải đảo.
Bộ Xây dựng khuyến cáo các doanh nghiệp cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng giảm nguồn cung để giữ giá bán ổn định. Đặc biệt phải có chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhà nước sẽ có chính sách phù hợp để điều chỉnh giá bán các mặt hàng trọng yếu (như điện, than, xăng, dầu) là đầu vào của ngành sản xuất xi măng.
Thời gian tới, toàn ngành xi măng phấn đấu giảm chi phí sản xuất, lưu thông để giảm giá bán, bình ổn, cân đối cung cầu và kiềm chế tốc độ tăng giá trong năm 2023.
Minh An (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.